Hà Nội thành phố đáng sống

Những ngày này, đâu đâu cũng nhuốm sắc hồng của đào, sắc vàng của mai cùng muôn hoa đua sắc tô thắm bức tranh mùa xuân tươi đẹp. Sự đổi thay ấy được mang lại từ những công trình công cộng xanh, sạch đẹp, góp phần mang lại diện mạo mới cho đô thị.

Sự hấp dẫn của những hồ nước

Ở Hà Nội, cứ nơi nào có hồ là nơi ấy đông đúc và náo nhiệt. Hồ của Hà Nội hấp dẫn bởi dáng vẻ và không khí khác nhau: Hồ Gươm cổ kính, hồ Tây lãng mạn, hồ Bảy Mẫu yên ắng nép mình trong công viên… Thực vậy, trong một đô thị luôn sôi động như Hà Nội, hồ thật sự có giá trị rất lớn khi chính là nơi điều hoà không khí. Chẳng có gì sảng khoái bằng cứ mỗi buổi chiều tà được đi dạo vòng quanh và hít đầy lồng ngực thứ không khí trong trẻo bên bờ hồ lộng gió ấy…

Dạo quanh hồ Ba Mẫu, không khó để nhận thấy môi trường trong lành đã hiện hữu nơi đây. Rất đông người già, thanh niên, trẻ nhỏ thong dong tản bộ vui chơi, chạy thể dục quanh hồ. Ông Bùi Công Nam, người dân Tổ dân phố số 5 phường Phương Liên, quận Đống Đa phấn khởi cho biết, từ sau khi hồ Ba Mẫu được xử lý ô nhiễm, hệ sinh thái trong lòng hồ đã được hồi sinh, cuộc sống người dân trong khu vực cũng được cải thiện rất nhiều. “Cá vàng dân cư chúng tôi phóng sinh vào các dịp lễ, Tết bơi lội từng đàn. Nước hồ đã trong xanh trở lại, không còn mùi hôi thối, cảnh quan hồ ngày càng xanh đẹp hơn” – ông Nam cho hay.

Hà Nội thành phố đáng sống
“Không gian xanh” giúp Hà Nội trở thành đô thị đáng sống. Ảnh: Minh Phương

Không chỉ riêng các hồ trong khu vực nội thành, tại nhiều khu vực nông thôn của Thủ đô nhiều mô hình cải tạo kênh mương, ao hồ thành khu vực vui chơi sinh hoạt cộng đồng sinh thái hoặc xã hội hóa vườn hoa, ao hồ đã được thực hiện. Điển hình như các mô hình tại huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín… đều đã được kè bờ, không cho nước thải xuống hồ, tạo cảnh quan, cải thiện chất lượng nước, hình thành các khu vui chơi, khu tập bơi chống đuối nước cho trẻ em đã dần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến mô hình cải tạo ao làng Thiên tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Nếu như từ trước năm 2016, ao làng Thiên thường xuyên ô nhiễm bởi bèo, chất thải… thì giờ đây, ao làng đã trở thành điểm vui chơi giải trí của người dân trong vùng. Nhờ xã hội hóa, ao làng đã được nạo vét, kè cứng, làm đường ven bờ, có rãnh thoát nước và bồn hoa, cây xanh xung quanh. Người dân còn đóng góp nhiều ghế đá bố trí đặt ven hồ để bà con nghỉ chân, ngồi hóng mát ngóng tụi trẻ con đùa vui dưới hồ.

Được biết, hiện nay, khu vực nội thành có 125 hồ lớn nhỏ, khu vực ngoại thành có khoảng 1.000 hồ. Hiện nhiều hồ đã được xây kè hoàn toàn hoặc một phần, tạo cảnh quan đẹp cho thành phố nói chung và từng khu vực dân cư nói riêng. Những “Hồ điều hòa – lá phổi xanh” của Thủ đô đã được hồi sinh là nhờ sự chỉ đạo, thực hiện kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, địa phương và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.

Sức sống từ không gian xanh

Cùng với sông, hồ cây xanh là bộ phận không thể thiếu của cấu trúc hạ tầng đô thị Hà Nội. Hệ thống cây xanh không chỉ tạo cảnh quan, làm đẹp đường phố mà còn giúp cải thiện khí hậu, môi trường sống. Từ nhiều năm qua, để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh văn hiến – văn minh – hiện đại, xây dựng môi trường sống tốt nhất, người dân được sinh hoạt, giải trí với chất lượng cao, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó có chương trình trồng mới một triệu cây xanh để cân bằng giữa mảng xanh và tốc độ đô thị hóa. Với sự quyết tâm, nỗ lực của các ngành, đơn vị chức năng, chương trình này đã về đích sớm hơn so với kế hoạch.

Đặc biệt, không dừng ở việc phát triển số lượng cây, thành phố cũng không ngừng đa dạng hóa chủng loại cây. Từ các loại cây đặc trưng của vùng miền ở Việt Nam cho đến các nước trên thế giới. Hàng cây phong lá đỏ trên tuyến Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian dần thích nghi với khí hậu Việt Nam, đến thời điểm này, dù chưa đổi màu được như kỳ vọng bởi phải chịu sự khác biệt của thời tiết, nhưng hàng cây phong lá đỏ đã sinh trưởng ổn định góp phần tạo diện mạo mới cho tuyến đường. Thành quả ngày hôm nay là nỗ lực trong suốt nhiều năm của chính quyền và người dân Thủ đô trong việc trồng mới, gìn giữ, bảo hộ cây xanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc trồng mới cây xanh là chủ trương đúng của thành phố Hà Nội, nhưng phải có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp về khoa học kỹ thuật, gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trong khu vực nội đô, gần như không còn diện tích để mở rộng cho hệ thống cây xanh, vì vậy việc cải tạo và thay thế phải có phương án nghiên cứu những loại cây có khả năng hấp thụ ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện thời tiết của Thủ đô.

Có thể nói, không gian xanh của Thủ đô Hà Nội là một kho tài sản thiên nhiên và nhân văn quý giá. Đó là những cơ hội để có thể xây dựng mô hình đô thị phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc đô thị, đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại đã được đề ra. Do đó, việc nhận diện, phân loại quy hoạch các không gian xanh là rất quan trọng. Hà Nội cần có các quy định mang tính pháp lý đủ mạnh, rõ ràng, cụ thể từ công tác quy hoạch đến quản lý sau khi quy hoạch.

Tuấn Trần/laodongthudo.vn