Hà Nội thúc đẩy du lịch nghệ thuật công cộng

Việc kiến tạo và phát triển các không gian nghệ thuật công cộng đã khơi dậy được các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, góp phần quảng bá, làm mới hình ảnh du lịch Hà Nội.

Tại Hội thảo “Nghệ thuật công cộng: Kiến tạo điểm đến du lịch”, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh – Chủ nhiệm bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, những loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành hoặc góp phần xây dựng nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch có thể kể đến chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, ca trù, hát xoan, tuồng, hát trống quân, bài chòi, cải lương… bởi thỏa mãn các tiêu chí như đa dạng về không gian thể hiện; đơn giản trong cách thức thể hiện do thiết bị hỗ trợ đơn giản, thuận lợi trong quá trình biểu diễn; quy mô nhỏ do số lượng diễn viên, khán giả, những người hỗ trợ biểu diễn nhỏ; có tính tương tác cao với khán giả; nội dung đơn giản, dễ hiểu, trong trường hợp sử dụng ngôn ngữ thì không cần phiên dịch, biên dịch; tiếp cận đa dạng về mặt trực giác

Hà Nội thúc đẩy du lịch nghệ thuật công cộng
Diễn xướng dân gian tại Hà Nội (Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)

Tiến sĩ Trịnh Lê Anh cũng đưa ra những phân tích để diễn xướng dân gian có thể trở thành những dịch vụ phục vụ du lịch. Ví dụ như đối với diễn xướng quan họ, gói dịch vụ có thể gồm các làn điệu quan họ như hát đối đáp, giao duyên, mời trầu khách du lịch, quà lưu niệm có thể gồm khăn mỏ quạ, nón ba tầm, trầu têm cánh phượng.

Hát xẩm dễ dàng bài trí ở không gian công cộng bởi tính linh hoạt khi trình diễn, gói dịch vụ gồm bài xẩm vui nhộn, tăng tương tác với du khách bằng cách có thể để khách du lịch đàn nhị hoặc tập hát một số câu cơ bản. Hát xoan là một loại hình kết hợp giữa hát và múa, gói dịch vụ có thể là các làn điệu xoan cơ bản, đặc biệt dàn dựng các tiết mục để khách du lịch có thể cùng trải nghiệm hát và múa cùng nghệ sĩ.

Các loại hình chèo, cải lương, tuồng… là các loại hình có tính sân khấu cao, mỗi tiết mục có nhiều nghệ sĩ tham gia trình diễn, các gói dịch vụ có thể gồm các trích đoạn nhỏ, dễ hiểu có nhiều động tác múa, giao tiếp bằng các trích đoạn ngắn, đơn giản, có nội dung thú vị, hài hước, trong hoảng thời gian từ 5-10 phút để du khách dễ dàng hiểu được nội dung mà không cần thông qua biên dịch, phiên dịch. Nghệ sĩ tương tác với khách trong các trích đoạn nói trên như thực hiện đóng những vai đơn giản, chụp ảnh cùng nghệ sĩ, có thể cải biên, thay đổi một số nội dung để dễ dàng đưa các loại hình này trở thành nghệ thuật công cộng.

Với một số loại hình như chầu văn hay ca trù cần phải xây dựng mô hình biểu diễn đặc biệt, phù hợp tại các không gian đặc thù như đình làng, đền, phủ dành cho những khách du lịch có mong muốn trải nghiệm đặc biệt với loại hình nghệ thuật này.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng, các loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành nghệ thuật công cộng và phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, nhưng không phải bất cứ loại hình dân gian nào cũng có thể trở thành nghệ thuật công cộng. Vì vậy, cần có một hệ tiêu chí để xây dựng diễn xướng dân gian thành nghệ thuật công cộng.

Theo họa sĩ, thạc sĩ Hoàng Thái Ly (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), việc đi du lịch đến những địa điểm mới để khám phá các viện bảo tàng, cộng đồng, dự án nghệ thuật và du lịch tôn vinh tính chân thực của con người, đồng thời tăng cơ hội hoàn thiện bản thân và tạo ra nhiều trải nghiệm chân thực hơn là các hoạt động giải trí đơn thuần khác. Nghệ thuật và văn hóa là một động lực mạnh mẽ trong đời sống của các thị trấn và thành phố, làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn và tăng cơ hội cho nhiều du khách hơn.

Nhiều Chính phủ và các tổ chức du lịch đã hướng tới hiện đại hóa và cải tiến dịch vụ theo hướng quảng bá nghệ thuật bản địa của họ để đạt được lợi thế toàn diện trong ngành du lịch. Khai thác các yếu tố văn hóa và nghệ thuật dân gian vào phục vụ du lịch là một trong những thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. /.

Bảo Thoa/laodongthudo.vn