Hà Nội: Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo kế hoạch, hằng năm, Thành phố sẽ tổ chức 20-25 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật trực tiếp cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về triển khai thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2023 – 2025.

Theo kế hoạch, hằng năm, Thành phố sẽ tổ chức 20-25 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật trực tiếp cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, mỗi năm, tổ chức 3-5 cuộc tập huấn về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho người làm công tác trợ giúp pháp lý.

Hà Nội: Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì. Ảnh: HL

Mỗi năm, Thành phố cũng tổ chức 3-5 cuộc tập huấn điểm về các kỹ năng phối hợp thông tin điểm về trợ giúp pháp lý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập huấn về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các chi nhánh thuộc Trung tâm khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và các chi nhánh thuộc Trung tâm.

Thành phố cũng sẽ tổ chức 3-5 đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ thuộc các cơ quan có liên quan. Tổ chức 3-5 đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình trên báo, đài truyền hình, trang thông tin, phim tài liệu…

Thông qua các hoạt động trên nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; nhất là trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

UBND Thành phố yêu cầu các nội dung trợ giúp pháp lý phải được tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, có thể lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác để tạo thuận lợi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả.

H.L
https://laodongthudo.vn/ha-noi-tro-giup-phap-ly-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-153673.html