Hà Nội với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025

Phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 3 nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Đội tuyển của Hà Nội xuất sắc giành giải cao tại Kỳ thi Olympic Quốc tế dành cho các thành phố lớn (IOM) – lần thứ V năm 2020 do Moscow, Liên Bang Nga tổ chức – Ảnh minh hoạ – Nguồn: VOV

Theo đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Chương trình đặt ra với những nhiệm vụ cụ thể xoay quanh các lĩnh vực như: Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Lĩnh vực giáo dục phổ thông

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội chú trọng vào các nhiệm vụ cụ thể như sau:

Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút nguồn nhân lực, tập trung phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh. Phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội; khuyến khích mô hình trường học liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín; đầu tư cơ sở vất chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá và từng bước hiện đại. Xây dựng 5 trường liên cấp có diện tích từ 5 ha trở lên ở một số quận, huyện có điều kiện (Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Thạch Thất, Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Chương Mỹ…) được đầu tư hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế. Thúc đẩy dổi mới cơ chế và mô hình quản trị nhà trường, vận hành các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII)

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo. Xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông, cải thiện thứ hạng đối với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, biên soạn nội dung, phương pháp thể hiện các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống và tạo sân chơi lành mạnh, giải quyết vấn đề thiếu không gian sinh hoạt thể thao ở các trường học tại khu vực nội thành. Thực hiện có hiệu quả hội nhập quốc tế về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; mở rộng mô hình hợp tác quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao thể lực và tầm vóc cho học sinh Hà Nội.

Nâng cao chất lượng giáo dục trường Đại học Thủ đô và các trường Cao đẳng trực thuộc thành phố Hà Nội.

Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường. Chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hoá, lịch sử Thăng Long – Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển “hệ sinh thái học tập sáng tạo” ở các cấp học, trình độ đào tạo. Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đổi mới sáng tạo và chiến lược phát triển bền vững của Thành phố. Tăng cường phối hợp hiệu quả trong giáo dục đại học gắn với cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào tạo đại học trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm

Ảnh minh hoạ – Nguồn: HNM

5 năm tới, Hà Nội chú trọng phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước, hướng đến việc làm bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dục việc làm vệ tinh. Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn, giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách Thành phố uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh giáo dục phổ thông. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Tăng cường công tác xã hội hoá, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động cùng với nâng cao chất lượng lao động.

Nâng cao chất lượng công tác dự báo để chủ động chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển của thị trường lao động. Nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển dổi nghề.

Tiếp tục đầu tư 04 trường cao đẳng công lập thuộc Thành phố trở thành trường chất lượng cao có một số nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế: Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội.
Tập trung đầu tư một số nghề trọng điểm cho các trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc thành phố được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội phê duyệt lựa chọn.

Phối hợp với ngành giáo dục để giải quyết việc làm cho đội ngũ vận động viên thể thao sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Lĩnh vực uyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Giai đoạn 2021- 2025, thành phố xây dựng đề án, chiến lược và kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Tuyển chọn, đào tạo và cử đi đào tạo tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo nâng cao nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, chuyên môn, năng lực, trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu công việc cả trước mắt và lâu dài của Thủ đô.

Nguyên Phong/nguoihanoi.com.vn