Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển toàn diện, xứng tầm là Thủ đô của đất nước. Đúng với tinh thần ưu tiên thúc đẩy hạ tầng “phải đi trước một bước”. Hàng loạt các công trình giao thông do Trung ương và Hà Nội đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn Thủ đô, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường.
Người lao động nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của Thành phố. (Ảnh: Giang Nam, chụp tại dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương) |
Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực công tác liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai hiệu quả. Nhiều dự án giao thông lớn, có vai trò quan trọng đối với hệ thống hạ tầng của Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm. Một số công trình trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng; hầm chui Lê Văn Lương… đều đang được các nhà thầu nỗ lực đảm bảo tiến độ.
Ghi nhận tại dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương (nút giao Khuất Duy Tiến – Tố Hữu), ông Nguyễn Tuấn Nghĩa – Kỹ sư, kiêm Trưởng Ban an toàn dự án, liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 cho biết: Không khí thi công trên công trường hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 những ngày này rất khẩn trương. Hàng trăm công nhân, máy móc được tăng cường trên mọi mũi thi công.
Hà Nội đang trong những ngày vươn mình phát triển. Nhìn hạ tầng Hà Nội đang từng bước hiện đại hóa, bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới, hẳn bất kỳ ai cũng thấy kỳ vọng và tự hào. Tự hào khi Hà Nội vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Tin chắc trong tương lai, bên cạnh sự phát triển kinh tế xã hội, bộ mặt của Hà Nội sẽ ngày càng khang trang, hiện đại. |
Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa chia sẻ, việc đưa các dự án hạ tầng giao thông sớm về đích vừa góp phần hoàn thiện, tăng cường năng lực mạng lưới giao thông của Thành phố, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Với công trình hầm chui Lê Văn Lương, dự kiến trong quý IV/2022 sẽ được thông xe. “Trong khoảng thời gian vừa rồi, tình trạng ùn tắc ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Công trình được thi công và hoàn thiện sẽ trực tiếp giảm thiểu ùn tắc, nếu thông xe được sớm thì còn góp phần giúp việc lưu thông được thông thuận, giảm tải áp lực giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến. Hiện khó khăn lớn nhất chúng tôi phải đối mặt là quá trình chở vật liệu ra, vào dự án. Để khắc phục, đơn vị chúng tôi đã cố gắng tối đa công tác thanh thải nguyên vật liệu” – ông Nguyễn Tuấn Nghĩa thông tin.
Được biết, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 tại nút giao Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến – Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu hầm là 475m. Sau khi hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông tại đây, từng bước hoàn chỉnh giao thông Thủ đô theo quy hoạch được duyệt.
Thực tế, từ năm 2010 đến nay, Thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng, góp phần kết nối khép kín hệ thống giao thông thông suốt. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung của Hà Nội với các công trình giao thông trọng điểm như: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cao tốc Nhật Tân – Nội Bài… hoàn thiện, đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Hà Nội cũng xác định chiến lược phát triển giao thông vận tải là ưu tiên phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại như: Vành đai 1, 2, 3, 4… Tập trung đầu tư các cầu vượt sông, mở rộng đô thị ra hướng sông… Đây được xem là chiến lược đúng đắn, góp phần kết nối, hình thành các đầu mối logistics trung chuyển hàng hóa, hành khách giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận.
Giao thông kết nối
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, đường bộ hiện là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường Vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn Thành phố. Trong đó có 7 tuyến hướng tâm (gồm: Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Hạ Long; Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Lào Cai; Pháp Vân – Cầu Giẽ), cùng với đó là 3 tuyến Vành đai (gồm: Vành đai 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km) và tuyến quá cảnh cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5 dài 35,km. Hiện 8/11 tuyến đường bộ cao tốc đã cơ bản hình thành, 3 tuyến liên kết vùng là Vành đai 4, Vành đai 5 và cao tốc Tây Bắc – Quốc lộ 5 đang trong quá trình chờ được đầu tư. Gần đây nhất, Vành đai 4 được phê duyệt đã tạo kỳ vọng lớn trong nhân dân, là tiền đề để Thủ đô Hà Nội bứt phá.
Hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng được đồng bộ. Ảnh: Giang Nam |
Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, mà còn tăng cường khả năng kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với đó, tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nhất là tạo ra không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh tuyến đường Vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn Thành phố, Hà Nội còn có dư địa phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là đường sắt đô thị lớn. Theo tìm hiểu, quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km, kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông.
Trước mắt để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, đặc biệt giảm tối đa ùn tắc, Thành phố đang đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm. Hy vọng khi những công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, vành đai 2 phố Vọng- Vĩnh Tuy… đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện giao thông Thủ đô, góp phầm làm cho Thủ đô càng đẹp, văn minh hơn./.