Cuối tháng 5/2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô. Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng và huyện Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội. Thời điểm đó, huyện Mê Linh còn rất nhiều khó khăn như: Hạ tầng kỹ thuật yếu kém, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 10,77%.
Nhớ về những ngày đầu sáp nhập, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 3, thị trấn Chi Đông Nguyễn Văn Thỉnh cho biết: Trước đây, cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn, hầu hết các tuyến đường lầy lội, bụi bặm, nhiều “ổ voi”, người dân đi lại rất vất vả. “Từ khi về Hà Nội, không chỉ các tuyến đường cũ được nâng cấp, mở rộng hơn, mà còn xây dựng thêm một số tuyến đường mới, giúp cho việc đi lại, giao thương, buôn bán của người dân rất thuật lợi và góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình” – ông Thỉnh cho hay.
Huyện Mê Linh ngày càng khang trang, hiện đại sau khi sáp nhập Thủ đô. |
Phấn khởi chia sẻ về sự đổi thay của quê hương, bà Nguyễn Thị Tần, thôn 2, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh chia sẻ: “Trước đây muốn vào nội thành Hà Nội, tôi phải phiền con cháu xin nghỉ làm chở đi hoặc, thuê xe ô tô rất tốn kém. Từ khi về Hà Nội, xe buýt về tận xã nên rất thuận tiện, giá vé phù hợp. Người dân chúng tôi rất phấn khởi. Thời điểm chưa về Hà Nội và bây giờ khác nhau quá nhiều. Hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao” – bà Tần nói.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mê Linh Lê Văn Khương, sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội, huyện Mê Linh được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, giao thông đồng bộ, khang trang, góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế – xã hội nhanh, bền vững; đời sống người dân nâng cao, diện mạo đô thị từng bước hình thành.
Theo đó, kinh tế của huyện Mê Linh duy trì phát triển với tốc độ cao, bình quân 9,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt bình quân 700 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 0,03% (giảm 10,44% so với cách đây 15 năm).
Hiện nay, toàn huyện có trên 1.800 doanh nghiệp, 81 Hợp tác xã, trên 10 nghìn hộ sản xuất kinh doanh cá thể, góp phần không nhỏ vào việc tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển luôn ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân đạt 110,8%/năm. Quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 3,98 lần. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ đạt bình quân 11,7%.
Trong nông nghiệp, mặc dù diện tích gieo trồng giảm do chuyển sang phát triển công nghiệp, đô thị; song giá trị sản xuất ngày càng tăng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến hết năm 2022, trên địa bàn huyện đã có 75 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 3 sao.
Đáng chú ý, được sự quan tâm của Thành phố cùng với sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội, huyện Mê Linh đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã Liên Mạc và Tự Lập được công nhận nông thôn mới nâng cao năm 2022; huyện Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Văn hóa – xã hội khởi sắc
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng được huyện chú trọng triển khai và có nhiều khởi sắc. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai hiệu quả, công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, Tổ dân phố văn hóa được đông đảo nhân dân tham gia, chất lượng được nâng lên. Đến năm 2022, toàn huyện Mê Linh có trên 90% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 86,4% thôn được công nhận thôn văn hóa, 94,4% Tổ dân phố được công nhận Tổ dân phố văn hóa.
Huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như Nhà văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao. Đến nay đã có 97/99 thôn, Tổ dân phố có Nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả quan trọng. Trên địa bàn huyện có 161 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, trong đó: 1 di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng; 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 54 di tích xếp hạng cấp tỉnh, Thành phố.
Huyện Mê Linh tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho nhân dân trên địa bàn huyện. |
Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông nghiệp trải nghiệm được chú trọng triển khai. Huyện đã tổ chức thành công Lễ hội hoa Mê Linh với chủ đề ”Mê Linh rực rỡ sắc hoa” thu hút 100 nghìn lượt người dân và du khách đến thăm quan, thưởng lãm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Cùng với đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, huyện đã triển khai khám, quản lý sức khỏe miễn phí cho trên 150.000 người dân tại 18 xã, thị trấn; dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ hoàn thành kế hoạch khám, quản lý sức khỏe cho khoảng 180.000 người dân (đạt 75% dân số toàn huyện).
Hệ thống giáo dục và đào tạo của huyện được quan tâm đầu tư và duy trì hoạt động ổn định. Trong 15 năm qua, toàn huyện đã mở rộng diện tích các trường thêm 200.000m2; đã cải tạo, xây mới 19 lượt trường học với tổng kinh phí 1.600 tỷ đồng; huy động xã hội hóa được gần 200 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các nhà trường. Đến nay, toàn huyện có 53/78 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 68%. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2008 ngành Giáo dục của Mê Linh chỉ xếp thứ 28/29 quận, huyện về giáo dục đại trà, thì đến năm 2022 đã vươn lên xếp thứ 13 toàn Thành phố.
Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được huyện thực hiện kịp thời, đầy đủ. Huyện cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức như dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ tiền điện, học phí, chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí ủng hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn,…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Quốc hội. Trong đó, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nông thôn mới nâng cao; chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, theo hướng hiện đại. Phấn đấu xây dựng huyện Mê Linh văn minh, giàu đẹp. |