Kinh nghiệm “3 không” trong phòng, chống dịch Covid-19

Phát biểu tại phiên họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội sáng ngày 19/1, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13-18/1, Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc Covid-19/ngày.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được Thành phố tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong đang trong giới hạn kiểm soát.

Thành phố hiện đang điều trị 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%).

Kinh nghiệm “3 không” trong phòng, chống dịch Covid-19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đáng chú ý, phát biểu tại phiên họp, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà; đồng thời việc phối hợp với quận Ba Đình trong việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 cũng như việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng cao tuổi, bệnh nền.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, hiện nay chúng ta cần xác định đích đến là “3 không” (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì Covid-19 sẽ không còn là đại dịch.

Để thực hiện được “3 không”, theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, các địa phương của thành phố Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp như:

Thứ nhất, giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó người dân cần thực hiện nghiêm “5K”, khai báo một cách thân thiện; có thể không dùng thuật ngữ F0, F1 mà thay bằng người nhiễm và người tiếp xúc gần.

Thứ 2 là giải pháp tiêm phủ vắc xin cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Do vậy, các địa phương cần đi từ ngõ, gõ từng nhà để rà soát danh sách; các bệnh viện tuyên truyền, cùng đồng hành với các địa phương để tiêm đủ vắc xin cho người dân.

Kinh nghiệm “3 không” trong phòng, chống dịch Covid-19
Toàn cảnh phiên họp.

Thứ 3 là là chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã.

Thứ 4 là kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết.

Và cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân Covid-19.

Trước những vấn đề đang được dư luận quan tâm khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, cũng tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đối với huyện Mỹ Đức, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội sẽ có buổi làm việc riêng để bàn cụ thể về việc tổ chức lễ hội Chùa Hương, với tinh thần chỉ cho phép tổ chức các nghi thức phần lễ mang tính nội bộ và phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, Thành phố sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lễ hội dịp đầu năm mới cũng như kiểm soát các dịch vụ văn hóa khác trên địa bàn Thành phố. Đối với trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam với Trung Quốc trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á, diễn ra vào ngày mùng 1 Tết Âm lịch, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội sẽ làm việc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 

P.Ngân
https://laodongthudo.vn/kinh-nghiem-3-khong-trong-phong-chong-dich-covid-19-135356.html