Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn

Sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày của phố cổ đã mang đến nhiều ngạc nhiên thú vị cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bảo tồn phố cổ, cần có những biện pháp “mạnh” để giảm thiểu sự tác động và khai thác bền vững các tiềm năng.

Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn
Để bảo tồn phố cổ, cần có những biện pháp “mạnh” để giảm thiểu sự tác động và khai thác bền vững các tiềm năng (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19).

Nỗi niềm phố cổ

Một trong những thách thức lớn nhất trong bảo tồn khu phố cổ Hà Nội là việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Do vậy, từ nhiều năm nay, phương án giãn dân phố cổ đã được thành phố Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm quan tâm.

Giãn dân phố cổ vốn là câu chuyện đã được nhắc đến từ 20 năm trước, thế nhưng sau nhiều năm, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay mới có khoảng 100 hộ dân di dời khỏi khu phố cổ.

Ông Nguyễn Đình Hải (63 tuổi), người dân đang sinh sống trong một căn nhà cũ có tuổi thọ khoảng 100 năm tại số 35 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trong nhiều năm qua, 6 hộ gia đình đã sinh sống nhiều thế hệ tại đây. Tuy nhiên, do cấu trúc là nhà ống với tổng diện tích khoảng 60m2 kéo sâu vào trong và bề ngang khoảng 2m được chia nhỏ nên mỗi căn nhà ở đây chỉ vỏn vẹn gần 10m2. Riêng gia đình ông Hải, với diện tích chỉ chừng 9m2 nhưng có tới 7 người, 3 thế hệ cùng chung sống.

Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn
Trong nhiều năm qua, 6 hộ gia đình nhà ông Nguyễn Đình Hải đã sinh sống nhiều thế hệ tại số 35 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm).

Đối với mỗi người, ngôi nhà là nơi riêng tư và thoải mái nhất nhưng với gia đình ông Hải đó là điều quá xa xỉ. Bởi, căn nhà của gia đình ông ở đầu nên trở thành lối đi chung của các hộ còn lại, mọi sinh hoạt riêng đều công khai. Do nhà cũng là lối đi chung, nên mọi thứ đồ đạc cho sinh hoạt đều ở mức tối giản nhất có thể. Cái gì cũng nhỏ nhắn, cũ rích và rất tạm bợ. Trong nhà vật dụng lớn nhất có lẽ là chiếc giường nhưng nó cũng nhỏ xinh để phù hợp với diện tích căn nhà.

Chật chội, bí bách là điều mà tất cả những thành viên trong gia đình ông Hải cũng như cả 6 hộ trong cái ngõ này thấy rõ, nhưng cũng giống như gia đình ông Hải mọi người chưa có ý định chuyển đi nơi khác sinh sống vì rất nhiều lý do. Vì ông được sinh ra lớn lên ở đây, mọi thứ đã trở nên quen thuộc với ông, nhưng lý do lớn nhất chính là bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt.

Trên thực tế, không chỉ có mình gia đình ông Hải mà rất nhiều hộ gia đình ở phố cổ hiện nay cũng phải sống trong cảnh chật hẹp như trên. Anh Phạm Đức Bách (sinh năm 1980, trú tại số 74 phố Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chủ một quán phở lâu năm trong khu phố cổ. Anh Bách thừa nhận, hầu hết các căn nhà trong phố Hàng Khoai đã quá mức xập xệ và chật hẹp với cuộc sống của một hộ gia đình. Nhưng bởi nhiều lý do, gia đình anh Bách gồm 4 nhân khẩu vẫn cố gắng bám trụ dù điều kiện sống vô cùng khó khăn và sinh hoạt chỉ bó hẹp trong diện tích khoảng 10m2.

“Nhiều người hỏi tôi vì sao không chuyển đến một căn nhà rộng rãi hơn, nhưng nếu chuyển đi, tôi cũng không biết tương lai sẽ phải là gì để kiếm tiền nuôi gia đình”, anh Bách băn khoăn. Gia đình anh Bách là điển hình của một hộ dân sinh sống dựa vào việc buôn bán tại khu phố cổ Hà Nội. Mỗi tháng, quán phở của anh Bách thu về từ 20 triệu đồng tiền lợi nhuận mà không phải trang trải các phụ phí như thuê mặt bằng, thuê nhân công.

Cần có những bước tiến đột phá

Được biết, đề án giãn dân phố cổ đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt ra từ năm 1998 với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Dù vậy, đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người.

Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn
Việc giãn dân là một trong những vấn đề cấp bách nhằm bảo tồn phố cổ Hà Nội (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19).

Đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.

Năm 2019, thành phố Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với các bên liên quan lựa chọn nhà đầu tư, hoàn thiện thủ tục để triển khai dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ, dự kiến thực hiện trong quý IV/2019. Theo đó, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ đã rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân nhằm lấy cơ sở xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Các phường được rà soát là: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Tuy nhiên, đến nay, đề án giãn dân phố cổ đã không thể về đích đúng thời hạn.

Mới đây nhất, tháng 3/2021, thành phố Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị: H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, tỉ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; với yêu cầu chính là kiểm soát dân số tại 4 quận, các đồ án nhằm mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672.000 dân; đồng thời cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Với động thái này, một lần nữa vấn đề giãn dân phố cổ lại được cơ quan chức năng đặt ra. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 và tối đa đến năm 2050, dân số khu phố cổ là khoảng 45.000 người.

Kỳ 3: Giảm thiểu tác động để bảo tồn
Để giãn dân ở phố cổ cần sự đồng thuận từ nhân dân và nỗ lực mạnh mẽ của các cấp chính quyền (Ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đang đưa ra nhiều phương án để triển khai thực hiện. Theo đó, với dự án khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng, quận đang lập quy hoạch chi tiết, trình thành phố sớm phê duyệt. Mặt khác, quận cũng đang trình thành phố phê duyệt cơ chế đầu tư xây dựng các khu nhà này, tiến hành song song dự án giãn dân…

Trao đổi về đề án giãn dân phố cổ, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà rời khỏi nội đô: “Thứ nhất là do các vấn đề thủ tục, pháp lý. Thứ hai là vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô. Cuối cùng là chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này”.

Chuyên gia cũng cho rằng, để bài toán giãn dân phố cổ, sau hơn 20 năm chờ đợi có được lời giải thỏa đáng cần sự đồng thuận từ nhân dân và nỗ lực mạnh mẽ của các cấp chính quyền.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Muốn bảo vệ kiến trúc phố cổ một cách tốt nhất thì vai trò của người dân sống trong khu phố cổ là hết sức quan trọng. Việc tuyên truyền bảo vệ các giá trị văn hóa phố cổ, đặc biệt là kiến trúc của khu phố cổ cho người dân là rất cần thiết. Để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống thì không gì tốt bằng việc gắn quyền lợi về kinh tế và quyền lợi xã hội của chính họ với công việc bảo vệ.

Kim Tiến / laodongthudo.vn

(Kỳ cuối: Để người dân phố cổ vun đắp cho di sản)