Làm giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh

Những năm qua, hoa, cây cảnh được đánh giá là cây trồng chủ lực góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt. Tận dụng thế mạnh tự nhiên nhiều địa phương đã đưa hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế chủ đạo, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hoa, cây cảnh thực sự phát huy được tiềm năng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự liên kết của các chủ thể.

Thu nhập không ngừng tăng lên

Huyện Mê Linh được xem là “thủ phủ” hoa lớn của Thủ đô Hà Nội. Những năm qua, với sự phát triển của làng hoa, nhiều ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất. Với những tiềm năng vốn có, huyện Mê Linh đang từng bước tạo ra những “cú hích” mới cho phát triển nông nghiệp.

Làm giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh
Chăm sóc hoa cảnh tại huyện Mê Linh. Ảnh: Lương Hằng

Đến thăm vườn hoa Tài Lý, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy những chậu hoa hồng thế với đủ màu sắc. Trò chuyện với ông Phạm Đức Tài, chúng tôi cảm nhận rõ niềm đam mê của ông với nghề trồng hoa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tài cho biết, ban đầu khi mới lập nghiệp, ông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm “đổi đời” từ nghề trồng hoa, ông Tài đã mạnh dạn thuê đất trồng hoa hồng cắt cành từ đó tạo nguồn vốn ban đầu. Tiếp đó, ông học hỏi kỹ thuật trồng hoa hồng thế, hồng bonsai để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện tại, ông Tài đang sở hữu nhà vườn với nhiều loại hoa có giá trị, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Theo ông Tài, trong vườn có nhiều loài hoa chỉ ông mới có. Trong các loài hoa đó phải kể đến các giống hồng cổ, hồng ngoại, cúc cổ…. Trong quá trình trồng hoa, ông Tài luôn đặt chất lượng lên trên hết. Để tạo nên thương hiệu riêng cho nhà vườn, ông Tài chủ động “đi trước, đón đầu” trong công việc lai tạo các giống hoa mới. Bên cạnh niềm đam mê với hoa hồng, ông Tài đang phát triển thêm các giống hoa lan biến đổi gen. Ông Tài tiết lộ, tùy từng năm mà nguồn thu nhập có sự chênh lệch, có những năm thị trường hoa được giá, ông Tài thu được 500-700 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Cũng giống như gia đình ông Tài, nhiều hộ gia đình tại các quận, huyện của Thủ đô cũng đã ổn định cuộc sống từ trồng hoa, cây cảnh. Được biết, đến nay, thành phố Hà Nội đã công nhận được 313 làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh gồm: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn (huyện Thường Tín); làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; làng nghề hoa Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng (huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (huyện Đông Anh); làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ).

Bằng những kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng hoa, cây cảnh, nhất là việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên ngành hoa, cây cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại các địa phương.

Tận dụng ưu thế đưa hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, nên sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đã có sự gắn bó chặt chẽ giữa nông nghiệp – công nghiệp – thị trường. Nông dân Hà Nội, nhất là các nghệ nhân trong lĩnh vực sinh vật cảnh đang sản xuất ra nhiều sản phẩm có hàm lượng văn hóa, khoa học cao và có sự góp mặt của nhiều trí thức. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Thành phố, Hà Nội còn là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, đây là lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất hoa, cây cảnh.

So với các địa phương khác, thú chơi hoa cảnh, cây cảnh xưa và nay đã thấm sâu vào đời sống của người dân Hà Nội nên nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng kéo theo diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484ha (năm 2015) lên 7.960ha (năm 2020). Cơ bản trên 70% diện tích được trồng tập trung điển hình là ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan hồ điệp, hoa lan VAR, với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt từ 1,3 đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm…

Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của nước ta. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết còn lỏng lẻo; thị trường hoa, cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp…

Từ những hạn chế trên, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí để phát triển hoa, cây cảnh nói chung cũng như đạt được mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các tỉnh, thành phố rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở nhằm ban hành cơ chế, chính sách tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển ngành hoa, cây cảnh.

Thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch, bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm thiết thực phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị.

“Về phía các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để định giá hoa cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát. Các hội, chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài liệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân, nhà quản lý tốt để đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động”- Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết./.

Lương Hằng/laodongthudo.vn