Lặng lẽ Văn Miếu trong những ngày cùng Hà Nội chống dịch

Trong những ngày này, Thủ đô Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều nước trên thế giới đang gồng mình chống dịch, các di tích – lịch sử văn hoá phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang lặng lẽ đi qua những giai đoạn khó khăn, hoàn thiện nhiều sản phẩm, dịch vụ mới nhằm đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành điểm đến văn hoá không thể bỏ qua, luôn hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám vắng lặng dưới nắng vàng rực rỡ của mùa thi – mùa mà những năm chưa có dịch, nơi đây đón hàng nghìn du khách đến thăm quan, đặc biệt là các “sĩ tử” trước những kỳ thi quan trọng.

Được coi là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của thủ đô Hà Nội mà của cả nước, đây còn là nơi chứa đựng những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nơi đây tạo nên một không gian đầy ý nghĩa cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá. Chính vì vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là “địa chỉ ưu tiên” cho việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá truyền thống; các hoạt động tôn vinh, về nguồn; nơi tổ chức các hoạt động văn hoá mang tầm quốc gia, quốc tế để lại những dấu ấn đậm nét về văn hoá, con người Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong hơn 4.000 di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. Đây là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, tư liệu và biểu tượng; là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước trong truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến của Việt Nam.

Những công trình kiến trúc nghệ thuật nằm yên lặng dưới những tán cây xanh.

Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 ở phía Tây Nam thành Thăng Long dưới triều vua Lý Thánh Tông (1023-1072) để thờ Khổng Tử và các học trò xuất sắc của ông. Trong Đại việt sử ký toàn thư có ghi chép lại: “Năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thành Tông, mùa thu, tháng tám dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tranh thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế, Hoàng Thái Tử đến học ở đây”. Như vậy, Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của Nho giáo, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên Phi Ỷ Lan lúc đó mới 5 tuổi. Đến năm 1072, Thái tử Lý Càn Đức lên ngôi trở thành vua Lý Nhân Tông.

Năm 1075, triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài. Đó là khoa thi Minh kinh bác học mà người đỗ đầu là Lê văn Thịnh, sau được chọn vào hầu vua học. Khoa thi năm 1075 là khoa thi đầu tiên của triều Lý và cũng là khoa thi đầu tiên của lịch sử khoa cử Việt Nam.

Những gốc cổ thụ xanh mướt nằm im lìm.

Tháng 4 mùa hạ năm Bính Thìn niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học bổ vào. Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía sau Văn Miếu để làm trường học dạy Hoàng Thái tử, con em của Hoàng gia và đại thần quý tộc. Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc.

Đời vua Trần Minh Tông (1314 – 1329), Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (tương đương với chức vụ Hiệu trưởng ngày nay) và là thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Đến năm 1370, Chu Văn An qua đời, được vua Trần Nghệ Tông truy phong tước Văn Trinh Công, cho thờ ở Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.

Sang thời Hậu Lê (1428-1789), Nho giáo rất thịnh hành, năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ để tôn vinh những người đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 trở đi. Các bia tiến sĩ liên tục được dựng trong thời gian gần 300 năm, đến ngày nay còn lại 82 tấm bia ghi lại lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, về việc sử dụng nhân tài.

Cây cối đơm hoa, kết trái.

Trải qua hơn 700 năm hoạt động (1076-1802), hàng ngàn nhân tài được đào tạo ở đây và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục cao cấp đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam thời quân chủ.

Với những giá trị lớn về lịch sử, khảo cổ, về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, về tư tưởng, giáo dục và giá trị biểu tượng, tâm linh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, cũng là điểm văn hóa du lịch được đón các đoàn khách quốc tế và nguyên thủ quốc gia các nước đến tham quan nhiều nhất.

Những nụ hoa hé nở rực rỡ trong khuôn viên di tích bởi sự chăm sóc của các cán bộ, công nhân viên nơi đây.

Trong những ngày này, Thủ đô Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều nước trên thế giới đang gồng mình chống dịch, các di tích – lịch sử văn hoá phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang lặng lẽ đi qua những giai đoạn khó khăn. Trong khoảng thời gian này, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang xúc tiến cho kế hoạch tái hiện trường Quốc Tử Giám tại khu Nhà Thái Học để giúp khách tham quan hình dung một phần về khoa cử của triều đình xưa. Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ; trong đó, số hóa toàn bộ các hạng mục di tích bằng công nghệ 3D, phát triển dịch vụ và tiện ích sử dụng công nghệ, xây dựng các trải nghiệm bằng công nghệ. Trong kế hoạch này, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ có sản phẩm du lịch đêm để du lịch trải nghiệm di sản bằng công nghệ ánh sáng kết hợp với công nghệ 3D. Đồng thời, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang tiến hành thi công công trình phục dựng toà Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu. Công trình hoàn thành sẽ mang lại một cơ sở hạ tầng cho hồ Văn trong việc kết nối khu vực nội tự với ngoại tự, thúc đẩy vấn đề phát huy giá trị di tích.

Công trình toà Phương đình đang được phục dựng trên gò Kim Châu.

Các kế hoạch, dự án được hoàn thành sẽ mang lại một cơ sở hạ tầng cho di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong việc kết nối khu vực nội tự với ngoại tự, thúc đẩy vấn đề phát huy giá trị di tích.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong số những di tích của Thủ đô hiện đã và đang phát huy rất tốt những giá trị của mình, với những chương trình, hoạt động góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành một địa chỉ văn hóa mang tầm quốc gia, nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc tế và là điểm đến yêu thích của du khách, góp phần quảng bá tích cực cho truyền thống văn hóa Thủ đô. Văn Miếu – Quốc Tử Giám được nhiều chuyên gia đánh giá là đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng, hệ thống biển bảng giới thiệu, thuyết minh hiện đại và làm rất tốt công tác giáo dục di sản đối với nhiều đối tượng và các lứa tuổi… thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển bền vững.

Thái Phi / nguoihanoi.com.vn

Ảnh: VMQTG