Lễ hội truyền thống kỷ niệm 995 năm đền Đồng Cổ

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 995 năm đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) diễn ra vào 22/5 (ngày 4 tháng 4 năm Quý Mão).

Trưởng Tiểu ban di tích Đông Xã Phạm Hoàng Mưu chia sẻ, đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, hiện nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Ngôi đền thờ thần Đồng Cổ, gắn liền với hội thề “Trung hiếu” bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông.

16.5.-dong-co-truong-ban-di-tich.jpg.jpg
Các em học sinh tại quận Tây Hồ trong hoạt động ngoại khóa gần đây tại đền Đồng Cổ. (Ảnh: Trung tâm VH-TT&TT Tây Hồ).

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1028, trước khi Lý Thái Tổ qua đời một ngày (mùng 3 tháng Ba âm lịch), Thái tử Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) được thần Đồng Cổ báo mộng sẽ có ba vị vương nổi loạn… Thái tử Phật Mã vội cùng tùy tùng cấp tốc về kinh đô. Quả như lời thần, Đông Chinh Vương, Vũ Đức Vương và Dực Thánh Vương nhân vua cha băng hà đã đưa quân vào trong Cấm thành. Do phòng bị trước và có các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp nên Thái tử đã dẹp được vụ này.

Ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông cho xây một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên Hoàng thành và lấy ngày 25/3 âm lịch hàng năm để tiến hành hội thề tại đó. Nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”. Về sau, vì hội thề trùng với ngày kỵ của vua nên chuyển sang mùng 4 tháng Tư âm lịch. Văn võ trăm quan, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền.

Các sử sách, bia ký để lại khẳng định Hội thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông khởi xướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Hội thề đền Đồng Cổ còn duy trì ở cả các triều đại sau và cho đến nay, Đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “trung hiếu” truyền thống. Ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội.

Tuy nhiên, trải qua năm tháng trước sự tàn phá của thiên nhiên và ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh, di tích đền Đồng Cổ bị biến đổi nhiều. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa kiến trúc cũ hơn 1000 năm trước không còn nữa. Ngày nay trên nền đất xưa là một ngôi đền nhỏ xây theo hình chữ đinh và mang nhiều phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Đền Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ linh thiêng. Thực ra Đồng Cổ có nghĩa là trống đồng. Tương truyền đến thời Lê đền bị mất trống đồng cổ, nhân dân phải đúc trống khác để thờ. Như vậy tục thờ trống đồng đích thực là tín ngưỡng của nhân dân Việt cổ còn lưu lại ở Đền Đồng Cổ. Trống đồng của người Việt cổ không chỉ là nhạc khí, binh khí bình thường mà nó đã trở thành thần thiêng, thành tế khí của người Đại Việt.

Lễ hội Đền Đồng Cổ gắn với trống đồng, đó là biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam. Hội thề Đồng Cổ là hội thề lành mạnh, mang nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc rất sâu sắc, có tác dụng thường xuyên nhắc lại một truyền thống – một nguyên nhân của sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam ta là: Đoàn kết – thương yêu.

Liên quan đến việc tổ chức Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ, Đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh làm Trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc với Ban tổ chức lễ hội.

Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Vân Anh đánh giá cao công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội của UBND quận Tây Hồ với việc ban hành kế hoạch tổ chức, quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ,… Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội  lưu ý quận Tây Hồ cần thành lập hội đồng thẩm duyệt kịch bản lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ, sắp xếp lại nội dung chương trình phù hợp hơn…

Quỳnh Hoa

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 995 năm đền Đồng Cổ (nguoihanoi.com.vn)