Lưu giữ “hồn quê”

Tôi tự thấy mình có duyên với những ngôi làng cổ của Hà Nội. Lúc thì đắm trong nỗi niềm biến đổi mau chóng của làng cổ Cự Đà (huyện Thanh Oai), khi như quên bẵng cả thời gian, để thẫn thờ bên từng đốm rêu làng Cựu (huyện Phú Xuyên). Lúc khác, cùng một nhóm bạn ghé làng Ðông Ngạc, là làng khoa bảng nổi tiếng một thời, cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc cổ quý giá. Trong không gian yên bình của các ngôi làng cổ, tôi như thấy lòng mình lắng lại. Một cảm giác lạ lùng, ấm đượm nỗi đồng cảm với dáng đứng cổ kính rêu phong của những nếp nhà…

1. Mỗi lần đến làng cổ Đường Lâm tôi đều cố nán những bước đi thật chậm để trải nghiệm vẻ đẹp bình dị của ngôi làng đặc trưng cho vùng nông thôn xứ Bắc. Chẳng riêng gì tôi mà bất kỳ ai khi ghé nơi đây đều có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình cùng với những ngôi nhà cổ. Có nhiều lối vào Đường Lâm, tuy nhiên chiếc cổng cổ còn lại duy nhất của làng cho đến ngày nay nằm ở thôn Mông Phụ lại được “chuộng” đi qua hơn cả. Đây là một trong những cổng làng cổ nổi tiếng nhất Việt Nam được ví như nơi lưu giữ “hồn quê” của xứ Đoài.

Lưu giữ “hồn quê”
Cổng làng ở Đường Lâm, Sơn Tây. (Ảnh: Đinh Luyện)

Nghe kể, cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông. Cổng làng Mông Phụ được coi là cổng chính của Đường Lâm, quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây là núi Tổ (núi Tản Viên). Theo các bậc cao niên trong làng, Đông Nam là hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc – hướng phát triển mạnh mẽ, con cháu mai sau sẽ thịnh vượng. Và cũng bởi quay hướng Đông Nam nên giữa trưa hè oi bức, không gian của cổng vẫn mở ra như ống thông gió, hút theo đó những hương vị của cây trái làng quê. Đây cũng là nơi đầu tiên làng dành đón khách lạ, quan kinh lý, người đăng khoa đỗ đạt, những con dân của làng làm ăn xa quê trở về.

Lại nữa, trên vùng đất này tôi thường được nghe câu cửa miệng, “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”. Câu nói nhằm chỉ sự khắc nhiệt của nắng gió ở vùng đất này. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây, nắng ở Sơn Tây cháy rát là thế, nhưng làn da của các thiếu nữ nơi đây lại trắng sáng nhờ những mạch nước nguồn trong mát ẩn sâu trong lớp đá ong. Tại những ngôi làng quanh khu vực thành cổ, những giếng khơi được đào trong đá ong, thành giếng xây bằng đá ong, nước trong veo. Giữa những ngày hè oi ả, nguồn nước giếng luôn trong và mát đến lạ thường. Ngoài cung cấp mạch nước ngầm mát lành, đá ong còn là vật liệu để người dân khai thác, sử dụng xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc khác. Từ lâu người dân Đường Lâm nói riêng và xứ Đoài nói chung đã biết khai thác đá ong để xây nhà. Cũng không khó để thấy bóng dáng đá ong trên cổng làng, tường rào, giếng khơi ở vùng đất này. Chính những đặc tính của đá ong đã tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ “có một không hai”, vừa đậm nét cổ xưa, mộc mạc mà vẫn thanh thoát, mềm mại, mang một vẻ sinh động riêng có.

Trải qua những lớp lang thời gian, qua bao mùa nắng mưa, những viên đá ong càng cố kết nhau lại, càng trở nên rắn chắc. Vì đặc tính ấy nên xưa nay nhiều người ở Đường Lâm vẫn thích xây dựng nhà ở bằng thứ vật liệu tự nhiên này. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều di tích nổi tiếng ở xứ Đoài cũng đều sử dụng vật liệu đá ong để xây dựng, tôn tạo công trình. Thành cổ Sơn Tây, lăng Ngô Quyền, chợ Mía… là những công trình điển hình như thế.

2. Khi tốc độ đô thị hóa nhanh, làng cổ dường như một thực thể thu mình trong dòng chảy ồn ã. Những vẻ đẹp ấy dù đã tồn tại cả trăm năm, nhưng cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Làng cổ Cự Đà là một ví dụ. Nơi đây, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, vào mỗi cuối tuần thường có nhiều du khách đến tham quan làng cổ Cự Đà; chụp ảnh mái đình, chùa, nhà cổ; lối ngõ rêu phong, trải nghiệm về những hoài niệm xưa. Ít ai biết rằng, trước năm 1980, làng Cự Đà vẫn còn trên 100 nhà cổ nguyên bản 5 gian, mái ngói mũi. Đến nay, chỉ còn khoảng 50 ngôi nhà kể cả đình, chùa còn gìn giữ được. Nguyên nhân cho sự mất mát trên thì có nhiều, song tựu chung là do sự phát triển dân số, phát triển làng nghề miến dong, nhiều gia đình cần diện tích nên họ đã phá dỡ nhà để lấy diện tích sản xuất. Cùng với đó, do đây là khu vực ven đô nên trong những năm gần đây quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, “tấc đất tấc vàng” khiến người dân hướng dần đến những ngôi nhà ống, những nhà cao tầng để tối ưu hóa diện tích.

Cũng chung hoàn cảnh, Ðông Ngạc là ngôi làng có một không hai ở nước ta. Ðông Ngạc là một trong những ngôi làng hiếm hoi có hệ thống công trình văn hóa cộng đồng phong phú, gồm: Đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ. Ðông Ngạc còn rất nhiều cổng cổ, gồm cổng làng, cổng ngõ và cổng nhà. Truyền thống văn hóa Ðông Ngạc cũng rất đặc biệt. Ngôi làng còn có rất nhiều tiến sĩ và nhiều người đỗ đạt cao, nhiều người làm quan lớn trong triều đình, nhất là giai đoạn Lê Trung Hưng…

Chính vì hội tụ nhiều ưu thế vậy, rất nhiều người từng hy vọng Ðông Ngạc sẽ trở thành một “làng di sản” như Ðường Lâm hay Phước Tích (Thừa Thiên – Huế). Nhưng do nằm cách trung tâm Thành phố chỉ khoảng 10km, tốc độ đô thị hóa rất mạnh, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tại đây khó khăn hơn nhiều so với các địa phương. Trong làng, đã có tình trạng “cài răng lược”, khi những ngôi nhà cổ nằm đan xen các công trình kiến trúc hiện đại. Những hàng rào râm bụt, hàng trầu xanh dần được thay thế bằng những bức tường kiên cố với những hoa văn trang trí lạ mắt, lòe loẹt.

Lưu giữ “hồn quê”
Đình làng – nét “hồn quê” tiêu biểu. (Ảnh: Đinh Luyện)

3. Không chỉ có những nét kiến trúc bị phai hóa theo thời gian. Nếu chú ý lặng tìm cũng có thể cảm nhận được không ít thương hiệu từng đi vào thơ ca của Hà Nội, thế nhưng bây giờ đã không còn. Húng Láng ở phường Láng Thượng (Đống Đa) là một điển hình như thế. Câu ca xưa vẫn truyền rằng: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm. Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Hay như: “Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì. Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn?”.

Làng Láng ngày xưa có tên nôm là xã Yên Lãng. Là một làng cổ của đất kinh kỳ. Sử sách còn ghi năm 1362, vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là Vườn tỏi. Từ đó các loại rau thơm của Láng đã trở thành một thức tinh tuý trong văn hóa ăn uống của cả vùng Bắc bộ.

Người Hà Nội sành ăn từ bao đời nay đã nhắc đến hương và vị của rau thơm Láng như một thứ tinh hoa riêng của đất người và trời Kẻ Láng. Mùi thơm của gia vị, màu xanh mỡ của lá rau và vẻ dịu dàng, hiền thảo của cô gái làng Láng gánh rau đi chợ Đồng Xuân đã làm say lòng bao thực khách, nên có thơ rằng: “Ở đâu thơm húng, thơm hành/ Có về làng Láng cho anh theo cùng/ Theo ai vai gánh vai gồng/ Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô”. Thế nhưng, từ năm 2010 tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, giá đất đắt đỏ. Những ô thửa trồng húng cuối cùng ở làng Láng lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng. Nhiều người đã chuyển làm nghề khác hoặc xây nhà cho thuê trọ, cả làng chỉ còn vài hộ trồng rau.

Hà Nội đã trải qua một chặng dài phát triển. Đô thị hóa là bước phát triển tất yếu của nhiều ngôi làng ven đô Hà Nội. Một số làng đã biến đổi thành phường hoặc kết hợp với làng khác để hình thành đơn vị hành chính mới. Bên cạnh những bâng khuâng, tôi thấy mừng. Mừng vì hạ tầng được cải thiện. Mừng vì được tiếp cận sự sâu lắng, tinh tế của “văn hóa thị dân”. Và hơn cả là ngày càng có nhiều người trẻ tìm về những mái ngói rêu phong, những con ngõ mộc mạc in dấu ấn thời gian để chụp ảnh và lưu giữ vẻ đẹp cổ kính, bình dị của làng quê chưa bị đô thị hóa. Tôi chợt nghĩ đến lời một kiến trúc sư chia sẻ rằng, về làng là sẽ học được rất nhiều điều. Phải, làng cổ có một giá trị đặc biệt trong cuộc sống đương đại. Mỗi khi chìm đắm trong không gian văn hóa của làng, ta lại tìm thấy ở đó những điều đẹp đẽ về tình người và học được cách sống nhân nghĩa./.

Đinh Luyện / laodongthudo.vn