Mở rộng không gian đi bộ để phát huy tiềm năng

Nằm trong lộ trình phát triển các không gian công cộng của Thủ đô, tới đây Hà Nội sẽ mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ mới. Thực tế, việc thành lập các tuyến phố đi bộ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu về thương mại và du lịch của địa phương. Nhiều nơi, việc phát triển tuyến phố đi bộ cũng được xem là hoạt động để thúc đẩy chất lượng sống cho người dân, là “đòn bẩy” phát huy tiềm năng văn hoá.

Khơi thông tiềm năng

Dự kiến vào dịp 30/4 và 1/5 không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động. Và tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào – Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Mở rộng không gian đi bộ để phát huy tiềm năng
Tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội. Ảnh: Giang Nam

Theo kế hoạch, tuyến phố đi bộ này được thực hiện thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (tức Cổng Tiền, khu vực ngã ba Quang Trung-Nguyễn Thái Học). Tuyến phố đi bộ sẽ gồm các phố: Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, đường dạo phía ngoài của Thành cổ.

Các khu vực khác như vườn hoa trung tâm thị xã, quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm… cũng sẽ trở thành không gian của tuyến phố đi bộ. Với quy mô kể trên, tuyến phố đi bộ sẽ phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần. Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ thứ Bảy đến 12 giờ Chủ nhật hằng tuần.

Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ là chương trình văn hóa, văn nghệ được đầu tư bài bản, quy mô như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, các cháu thiếu nhi…

Các tổ chức đoàn, hội, các câu lạc bộ nghệ thuật, các trường trung học phổ thông trên địa bàn sẽ là lực lượng tham gia thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Ngoài ra, thị xã Sơn Tây cũng tổ chức các dịch vụ ẩm thực, gian hàng lưu niệm, triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh, sản phẩm đặc trưng của vùng đất xứ Đoài… phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức của nhân dân địa phương và du khách.

Liên quan đến việc quản lý khi tuyến phố đi bộ hoạt động, hiện thị xã Sơn Tây cũng chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng. Chẳng hạn, đối với các hộ kinh doanh, buôn bán trên phố đi bộ (tại phường Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi), thị xã Sơn Tây yêu cầu các xã, phường hướng dẫn các hộ kinh doanh chủ động đăng ký các mặt hàng muốn kinh doanh. Dự kiến có khoảng từ 60 – 70 quầy hàng kinh doanh tại phố đi bộ, gồm các mặt hàng ẩm thực, cây cảnh, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ.

Việc phố đi bộ được triển khai cũng là niềm mong mỏi của người dân Sơn Tây. Bà Phan Thị Hương, người dân thị xã Sơn Tây cho biết, bản thân rất tự hào vì Sơn Tây có khu Thành cổ, giờ có thêm không gian dành riêng cho việc đi bộ sẽ rất hữu ích. Đặc biệt, dịp cuối tuần có thể đưa các thành viên trong gia đình đi trải nghiệm. Giống như bà Phan Thị Hương, nhiều người trẻ sống tại Sơn Tây cũng mong muốn phố đi bộ sớm được hoạt động để thỏa mãn nhu cầu giao lưu khi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức.

Thêm sức hấp dẫn cho điểm du lịch ngoại thành Hà Nội

Không gian đi bộ đóng vai trò hết sức quan trọng, đây là không gian giao tiếp công cộng thể hiện bộ mặt và sự phát triển của chính đô thị. Nói cách khác, việc ra đời các tuyến phố đi bộ chính là để kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau. Đặc biệt, tổ chức thêm không gian đi bộ vào buổi tối đem lại nhiều lợi ích thiết thực, kích thích phát triển kinh tế về đêm.

Theo Đề án số 225/ĐA-UBND ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây về xây dựng tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây sẽ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung – Nguyễn Thái Học) có tổng chiều dài 820m, tổng diện tích sử dụng 34.550m2 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần.

Tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây không chỉ góp phần phát huy tiềm năng, giá trị của di tích Thành cổ Sơn Tây mà còn góp phần xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, sống động, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào dịp cuối tuần; thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương ngày càng phát triển.

Thực tế, tại Hà Nội, những lợi ích mang lại, cũng như những bức thiết của nhu cầu người dân với phố đi bộ được nhìn nhận từ rất sớm. Không khó để thấy, thời điểm 2016 Hà Nội đã có một trục phố đi bộ Hàng Ngang – Hàng Đào được thiết lập, rồi từ đó góp phần cho việc hình thành một không gian đi bộ quy mô tại khu vực Hồ Gươm.

Để rồi, sau nhiều năm hoạt động, phố đi bộ đã có chỗ đứng trong lòng người dân. Những dịp cuối tuần, con phố đi bộ không lúc nào ngớt bóng du khách, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức tại đây, góp phần tạo nên nét văn hóa mới, không gian mới cho cộng đồng và du khách khi đến Hà Nội.

Trở lại phố đi bộ ở Sơn Tây, theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, thị xã Sơn Tây được quy hoạch là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với các chức năng chính là du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, dịch vụ thương mại trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Việc xây dựng các tuyến phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho đô thị vệ tinh mang đầy giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đoài này.

Nói cách khác, với không gian đi bộ sắp xuất hiện tại Thành cổ Sơn Tây trong ít ngày tới, có thể thấy rõ khu vực này đã có sẵn những ưu điểm hiện có về cảnh quan với mặt nước, tường đá ong, cây xanh… và đặc biệt là giá trị văn hóa – lịch sử được hình thành theo thời gian.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm, Phó ban Thường trực Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết: Việc triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây là định hướng phát triển lâu dài của địa phương. Đặc biệt khi lượng khách đến với các điểm như Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ, đền Và… ngày một đông thì nhu cầu có không gian đi bộ buổi tối, không gian đêm để lưu giữ, tạo điểm nhấn thu hút du khách là nhu cầu ngày một bức thiết.

“Du khách ngoài việc trải nghiệm văn hóa dân gian nghệ thuật, trải nghiệm buổi tối tại tuyến phố đi bộ sẽ có nhiều điều lý thú. Đây cũng là điểm để níu chân du khách…”, ông Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc xác định kinh tế du lịch là kinh tế mũi nhọn, xác định mở rộng không gian phố đi bộ để thu hút khách du lịch, giữ chân du khách trong việc lưu trú ở Sơn Tây là một trong những biện pháp đúng đắn để kích cầu cho các hoạt động về thương mại du lịch.

Tin rằng, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với công tác tuyên truyền tới người dân trong khu vực tuyến phố có sự đồng thuận, tuyến phố đi bộ ở Sơn Tây sẽ có sự thành công. Từ đây góp phần thay đổi thói quen, nếp sống và mang lại không gian văn hóa cho cộng đồng, mang lại sức hút mới cho du khách khi đến với mảnh đất Sơn Tây – xứ Đoài giàu truyền thống văn hóa. /.

Giang Nam
https://laodongthudo.vn/mo-rong-khong-gian-di-bo-de-phat-huy-tiem-nang-138724.html