Nâng cao hiệu quả truyền thông của báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Đánh giá cao vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật thời gian qua, ông Lệ Vệ Quốc cho rằng, việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp chính sách pháp luật của Nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận.

Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp vừa tổ chức Tọa đàm về vai trò của truyền thông báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Truyền thông pháp luật phải đi trước một bước và tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại một số diễn đàn là làm luật phải làm từ sớm, từ xa, ông Lê Vệ Quốc một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong công tác truyền thông chính sách pháp luật đến người dân.

Đánh giá cao vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật trong thời gian qua, ông Quốc cho rằng, việc thực hiện truyền thông nhanh chóng, đầy đủ sẽ giúp chính sách pháp luật của Nhà nước ngay trong quá trình dự thảo xây dựng được nhân dân đồng thuận, góp ý kiến trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Từ đó, văn bản pháp luật được ban hành sẽ mang hơi thở cuộc sống, có tính khả thi và pháp luật thực sự là của dân, vì dân.

Nâng cao hiệu quả truyền thông của báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu tại Tọa đàm.

Năm 2022, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp là phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, cũng là năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật lần thứ 10 trong phạm vi cả nước. Ông Lê Vệ Quốc mong các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm đến hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để lan tỏa các sự kiện này kịp thời, đầy đủ, sâu rộng trong cả nước.

Ngày 31/3/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 – 2025. Sau 01 năm, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”, điều đó đã cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến vai trò của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, truyền thông dự thảo chính sách nói riêng, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL đề xuất một số giải pháp cần thực hiện như: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan, báo chí, những người làm báo về vai trò của báo chí trong công tác PBGDPL và truyền thông dự thảo chính sách theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan quản lý báo chí trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị báo chí thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định Quyết định số 407/QĐ-TTg.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam và truyền thông dự thảo chính sách; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện.

Tại Tọa đàm, đại diện các cơ quan báo chí đã đánh giá cao chặng đường 10 năm thực hiện Luật PBGDPL cũng như 10 năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam. Các nhà báo cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tác nghiệp và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan truyền thông; các giải pháp huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông, PBGDPL nói chung, hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng.

H.L
https://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-qua-truyen-thong-cua-bao-chi-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-141821.html