Những di sản kiến trúc ghi dấu ấn Thăng Long – Hà Nội

Thủ đô Hà Nội đã hơn 1010 năm tuổi, hơn 10 thế kỷ qua là quãng thời gian dài đằng đẵng của lịch sử. Dù đã trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, thiên tai, chiến tranh… nhưng những gì còn sót lại, dẫu ít ỏi vẫn phác họa nên những nét cơ bản nhất của cấu trúc di sản hơn nghìn năm.

Thăng Long chính thức là kinh đô của Đại Việt từ năm 1010, khi Thái Tổ Lý Công Uẩn – vị vua đầu triều nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô mới thể hiện nhiều khát vọng. Qua bao thăng trầm lịch sử, thành Thăng Long xưa dường như bị xóa nhòa dấu vết, những gì còn lại của thành quách, cung điện… là những kiến trúc ít ỏi chồng lấp qua nhiều thời kỳ. Khu trung tâm thành cổ Hà Nội chỉ còn một vài kiến trúc nhưng cũng phản ánh được phần nào được diện mạo của kinh thành xưa và sự nối tiếp của lịch sử, sự giao thoa của văn hóa.

Những kiến trúc may mắn còn lại là Đoan Môn – Hoàng Thành Thăng Long (xây dựng thời Lê, tu sửa thời Nguyễn)

Việc phát lộ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2002 (tại 18 Hoàng Diệu – Ba Đình, nay được gọi là Khu Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu) đã hiện ra diện mạo rõ nét và vẹn nguyên của Hoàng thành Thăng Long nằm ẩn sâu trong lòng đất. Ở đó có đầy đủ các tầng văn hóa – kiến trúc đúng như lịch sử đã ghi lại. Đây thực sự là một di sản kiến trúc quý báu – dẫu chỉ là phế tích, nhưng lại có ý nghĩa nhất của 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trước đó, có những kiến trúc có tuổi hơn tuổi kinh thành Thăng Long, đa phần là đình, chùa, đền, miếu. Cổ xưa nhất và còn hiện hữu tới giờ là Chùa Trấn Quốc, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548), Chùa Một Cột (thời Lý thế kỷ 11), Chùa Láng và Chùa Kim Liên (thời Lý thế kỷ 12)…

Thành Thăng Long không còn, nhưng Thăng Long Tứ Trấn vẫn đang là những ngôi đền linh thiêng của Thủ đô, trấn giữ bốn phía, đó là Đền Bạch Mã ở phía Đông, Đền Voi Phục ở phía Tây, Đền Kim Liên ở phía Nam và Đền Quán Thánh ở phía Bắc.

Trong những kiến trúc và quần thể kiến trúc đình, chùa, đền, miếu còn lại của Thăng Long – Hà Nội thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất, dù cũng bị phá hủy bởi chiến tranh và được tu sửa qua nhiều lần.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất

Ở mảng kiến trúc nhà ở, Hà Nội có một di sản là phố cổ Hà Nội, hay còn gọi là khu 36 phố phường. Khu phố cổ Hà Nội có từ thời Lý – Trần, là một nơi sản xuất và buôn bán sầm uất bên ngoài, phía Đông thành Thăng Long, giáp với sông Hồng và với nhiều phường nghề. Khu vực này đã tạo một sức hút lớn với nhiều cư dân ở các làng, các địa phương gần Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ.

Diện mạo kiến trúc phố cổ được định hình vào khoảng thế kỷ 18,19 với đặc trưng là những ngôi nhà dài, hình ống với mái ngói, cấu trúc được phân nhiều lớp, có sân trong. Phố cổ Hà Nội nổi tiếng là phố nghề với những tên sản phẩm trở thành tên phố có chữ “Hàng”. Dù giờ đây, những phố “Hàng” đã không còn như xưa, nhưng Phố cổ Hà Nội vẫn luôn là hình ảnh đẹp còn ghi dấu tích giữa phồn hoa.

Bảo Thoa (tổng hợp)/LĐTĐ