Những người thợ giữ nghề nơi phố cổ

Phố cổ là nơi tập trung các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương của người Hà Thành từ xưa đến nay.Với guồng quay của nhịp sống hiện đại, vẫn còn đó những nghệ nhân giữ gìn nghề tổ trên phố cổ – như một minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô, dựa trên nền tảng văn hóa tinh hoa của dân tộc, của thành phố nghìn năm văn hiến.

Những người thợ cuối cùng

Hơn 30 năm nay, người dân ở phố cổ Hà Nội vẫn quen với dáng dấp một bà cụ tóc bạc, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ bên chiếc máy may cũ, may nên những tà áo dài Việt Nam được khách hàng cả trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích. Bà là Lê Thị Quyến, người thợ may còn giữ nghề tại tiệm may Vinh Trạch (23 Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tiệm may Vinh Trạch vốn là một trong những tiệm may áo dài đầu tiên được mở ra vào khoảng năm 1990. Hơn 30 năm nay, mặc cho rất nhiều cửa hàng may áo dài hiện đại đã mọc lên trên khắp các con phố trung tâm của Hà Nội, tiệm may nhỏ, giản dị của bà Quyến vẫn đều đặn mở cửa từ 8h sáng đến tối muộn để đón khách.

Những người thợ giữ nghề nơi phố cổ
Giữa sự ồn ào của trung tâm thành phố, những nghệ nhân còn làm mặt nạ giấy bồi đã lưu giữ tuổi thơ của rất nhiều người khi nghĩ về Trung thu truyền thống

Khách hàng của bà Quyến rất phong phú, từ những khách hàng là người Việt Nam cho đến các khách hàng người nước ngoài đến du lịch, hay sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay thậm chí là những khách hàng được cho là “khó tính nhất” Hà Nội. Đặc biệt, bà Quyến còn nhận không ít đơn đặt hàng may áo dài gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp…. Đây là điều mà không nhiều tiệm may áo dài có được.

Bí quyết mà nhiều khách hàng quay trở lại tiệm may của bà Quyến chia sẻ đó là: Từng đường kim mũi chỉ của chiếc áo dài đều được bà Quyến chăm chút và khâu hoàn toàn bằng tay. Theo bà Lê Thị Quyến, việc khâu áo dài bằng tay khiến cho chiếc áo dài “có hồn”. Hiện nay, mặc dù gần 80 tuổi, nhưng khách hàng vẫn luôn ngạc nhiên về sự tinh tường, khéo léo của bà Quyến khi bà vẫn tự tay đo, cắt, xâu kim rồi khâu từng chiếc áo.Đối với bà Quyến, chiếc áo dài không đơn thuần là bộ quần áo, mà đó là giá trị thiêng liêng, truyền thống của gia đình. Giữa lòng phố cổ, tiệm may Vinh Trạch của gia đình bà như một minh chứng sâu đậm nhất cho việc kế thừa và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.

Tương tự, với niềm đam mê và ý thức lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, hơn 40 năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan (phố Hàng Than, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn miệt mài với nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống được truyền lại từ đời cha ông. Mặc dù, những năm gần đây, với sự xuất hiện của vô vàn các loại đồ chơi hiện đại, không ít người tiêu dùng đã quay lưng với đồ chơi dân gian. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hòa vẫn luôn miệt mài gắn bó với nghề. “Vợ chồng tôi làm nghề bằng niềm đam mê và ý thức lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn được chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tạo điều kiện quảng bá thương hiệu để ngày càng có nhiều người biết đến tìm mua và học hỏi làm mặt nạ giấy bồi truyền thống, qua đó ngày càng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Hòa chia sẻ.

Hay tại phố cổ, đến nay, ông Phạm Văn Quang ở phố Hàng Quạt cũng là người duy nhất vẫn còn làm những chiếc khuôn bánh trung thu, khuôn xôi, oản… bằng gỗ truyền thống. Với mong muốn nối nghề của ông cha, ông Quang vẫn hàng ngày gắn bó với phố cổ, với dùi, với đục, với các loại khuôn bánh. Cửa tiệm chỉ rộng chừng chục mét vuông nhưng có hàng trăm loại khuôn bánh, khuôn xôi với hoa văn, họa tiết bắt mắt như hoa cúc, hoa sen, cá chép, chữ Phúc, Lộc… luôn được xếp gọn gàng và trang trọng. Mặc dù, hiện tại khách không còn đông như xưa vì sự ra đời của các loại khuôn nhựa trên thị trường rất đa dạng. Tuy nhiên, khách đến cửa tiệm vẫn khá ổn định vì họ đều là những người yêu giá trị truyền thống, vẫn thích sử dụng khuôn gỗ.

Níu giữ Hà Nội xưa cũ

Trong ký ức người Hà Nội, phố cổ không chỉ là “làng văn hóa đô thành” mà còn là “làng nghề – phố nghề” – nơi tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành những phố nghề đặc trưng mang nét truyền thống riêng biệt.Hà Nội xưa từng có tới hàng chục phố “Hàng” mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ. Ngày nay, phần lớn các phố “Hàng” vẫn còn tên, nhưng nghề xưa gắn với tên phố thì đã mai một. Các phố này đã trở thành các phố thương mại, kinh doanh hỗn hợp.

Nói về những phố hàng, những nghề truyền thống tại phố cổ, PGS. TS. Đỗ Thị Hảo – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thì Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay trước khi trở thành Kinh đô của cả nước là một “Kẻ quê” với những thôn dã xóm làng, với đình chùa giếng nước cây đa, với những bến chợ, bãi sông…Trải qua những biến động của lịch sử cùng với nền kinh tế bao cấp kéo dài 36 phố phường xưa (tức khu Phố cổ) đã lụi tàn dần và trở thành một hoài niệm. Chỉ đến Đại hội VI “đổi mới tư duy” tiểu thủ công nghiệp đô thị được đưa lên hàng chiến lược kinh tế.

Có thể thấy, giá trị nổi bật của các nghề truyền thống là tài nguyên văn hoá giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, thu hút số lượng lớn khách du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú, đa dạng. Du lịch, tìm hiểu làng nghề truyền thống đang là mô hình hiệu quả giúp du khách tham quan tìm hiểu các giá trị văn hóa ở khu phố cổ. Ở thời đại của công nghệ cao ngày nay dù có phát triển nhưng cũng không thay thế được sự sáng tạo của các nghệ nhân, nghề truyền thống và các tinh hoa của nhiều nghề truyền thống vẫn còn mãi với thời gian.

Đặc biệt, theo PGS. TS. Đỗ Thị Hảo với quy định quản lý xây dựng và bảo tồn khu Phố cổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (số 3234/QĐ-UB ngày 30/8/1993, điều 11) khuyến khích phục hồi các ngành nghề thủ công mỹ nghệ dân gian truyền thống đã có trên địa bàn phố cổ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và khuyến khích các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa… hay chỉ thị 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/01/1993 “Đầu tư 100% cho việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn bảo quản lâu dài, phổ biến các sản phẩm văn hóa tinh thần, giữ gìn các nghề thủ công truyền thống”, cùng với sự ra đời của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, có thể nói phố cổ Hà Nội bắt đầu được hồi sinh.

Thời gian qua, sự xuất hiện của các phố đi bộ trong khu phố cổ, tổ chức chợ đêm bán các hàng thủ công mỹ nghệ, hay trình diễn các diễn xướng dân gian quanh Hồ Gươm vào những ngày nghỉ cuối tuần, tu bổ đền thờ tổ, các ngôi nhà cổ, phần nào đã khôi phục được diện mạo của phố cổ Hà Nội xưa. Để giữ gìn và phát huy một cách cơ bản, bền vững di sản văn hóa phố cổ (đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể), PGS. TS. Đỗ Thị Hảo cho rằng, trong thời gian tới,cần có những biện pháp để giữ gìn và phát huy những nét đẹp xưa cũ, nhất là đối với các nghề truyền thống.

“Nhớ lại xưa kia dưới thời Pháp thuộc Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã cho xây dựng Bảo tàng Thủ Công Mỹ Nghệ tại Hà Đông để khuyếch trương nghề nghiệp, đồng thời tổ chức những cuộc thi tài khéo tại Đấu Xảo Hà Nội và phong chức sắc cho những người thợ giỏi. Nhờ thế mà nghề thủ công mỹ nghệ lúc bấy giờ khởi sắc hẳn lên. Vậy thì bây giờ nếu trong khu phố cổ với biết bao con phố mang tên “Hàng” (thủ công) lại có một Bảo tàng thủ công mỹ nghệ thì thật có ý nghĩa biết bao. Nó sẽ trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân phố cổ, người Hà Nội mà của người dân cả nước với truyền thống “khéo tay hay nghề” do tổ tiên để lại hàng ngàn năm qua, vẫn còn hiện diện tại các tên phố trong khu phố cổ Hà Nội hôm nay”, bà Hảo bày tỏ mong muốn. /.

Kim Tiến / laodongthudo.vn