Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ cơ bản của xây dựng văn hóa

Được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước, những giá trị kinh tế của văn hóa đang được khơi dậy, phát huy hơn bao giờ hết. Đó là những nỗ lực kích thích sức sáng tạo, tái sản xuất, đổi mới khâu tổ chức, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của đông đảo công chúng.

“Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert” là sự kiện văn hóa lớn thường niên nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa TP Hà Nội và VNA. Ảnh: Vietnam Airlines.

Hà Nội bước đầu đạt được những thành quả nhất định trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa là quá trình sản xuất, tái sản xuất, truyền bá các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thông qua cơ chế thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Ra đời vào những năm 30 thế kỷ XX, công nghiệp văn hóa đã nhanh chóng khẳng định được ưu thế vượt trội trong sản xuất, kinh doanh, thu hút, chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Bằng các sản phẩm chứa đựng những giá trị nhân văn, ngành công nghiệp văn hóa góp phần không nhỏ làm phong phú tâm hồn, trí tuệ, phát huy khả năng sáng tạo của con người, đồng thời quảng bá được hình ảnh, vị thế, sức mạnh của quốc gia, dân tộc, mang lại những khoản doanh thu khổng lồ, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập quốc dân.
Ở Việt Nam, đổi mới thể chế văn hóa gắn liền với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã mở ra một thời kỳ mới đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản của xây dựng văn hóa để đạt mục tiêu văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII) về việc mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thủ đô có sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, với một số vùng văn hóa như văn hóa xứ Đoài, văn hóa Sơn Nam Thượng tạo nên sự đặc sắc, phong phú của văn hóa Thủ đô cả bề rộng lẫn chiều sâu; thu hút nhiều tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội phát huy sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Trong những năm qua, tình hình trong nước và quốc tế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức, khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Tuy vậy, Hà Nội đã bước đầu đạt được những thành quả nhất định trên một số lĩnh vực:
Về điện ảnh, Thành phố đã xây dựng Quy hoạch hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó phương án bố trí rạp chiếu phim theo hình thức xã hội hóa, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục về quy hoạch kiến trúc, lập phương án bố trí rạp chiếu phim tại một số khu vực tập trung đông dân cư như: Trung tâm Thương mại Vincom Mega Center Long Biên; cụm rạp chiếu phim tại công trình hỗn hợp văn phòng dịch vụ thương mại, nhà ở số 3 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng; Rạp chiếu phim thuộc Dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại tại Cung Thể thao Quần Ngựa, quận Ba Đình…
Đầu tư 7,258 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ Trung tâm chiếu bóng thành phố (nay là Trung tâm Văn hóa Thành phố). Triển khai các Đội chiếu bóng lưu động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt nguồn phim tư liệu, thực hiện công tác chiếu phim theo kế hoạch đã được phê duyệt. Lồng ghép hoạt động chiếu phim với công tác tuyên truyền tới nhân dân Thủ đô, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước và của Thành phố Hà Nội. Hoạt động chiếu phim được tăng cường vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội. Đây là sự kiện văn hóa lớn diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sỹ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; hàng trăm bộ phim đã được đề cử và tham gia tranh giải. Với khẩu hiệu “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững”, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội là cơ hội lớn để Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình đến với nền điện ảnh quốc tế, từ đó góp phần cổ vũ tinh thần nhân ái, khuyến khích hợp tác giữa các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên vì sự phát triển thịnh vượng chung của nền điện ảnh thế giới.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội là cơ hội lớn để Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình đến với nền điện ảnh quốc tế. Ảnh: Như Hoàn.

Về nghệ thuật biểu diễn, Thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng vở diễn mới, chương trình biểu diễn phục vụ các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của Thủ đô và đất nước được dư luận đánh gia cao. Tại Hà Nội, nhiều chương trình tầm cỡ thế giới đã được tổ chức, có sự góp mặt của các ngôi sao đình; nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao được tổ chức, như Chương trình đếm ngược Coundown vào thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới khoảng: 10 tỷ/chương trình (3 chương trình); chương trình “Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert” hằng năm tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ khoảng: 20 tỷ/chương trình; Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa” giai đoạn 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 khoảng 15 tỷ/năm/chương trình; Lễ hội Hoa anh đào tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ…
Về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Thành phố Hà Nội luôn tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ được tự do sáng tác, không gò bó, ép buộc theo bất kỳ khuôn mẫu nào từ đề tài, chất liệu, kích cỡ đến hình thức trưng bầy, sắp đặt. Điều này đã tạo hỗ trợ một cách tích cực để các nghệ sĩ thoải mái trong hoạt động sáng tác và công bố tác phẩm.

Tập trung xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025

Công nghiệp văn hóa hiện nay vẫn còn là một khái niệm mới, do đó, nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa còn nhiều hạn chế, vì vậy chưa thực sự thu hút sự quan tâm, đầu tư của xã hội đối với nội dung này. Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách văn hóa trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu chung là khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển văn học nghệ thuật, từ khâu sáng tạo, truyền bá các tác phẩm còn nhiều bất cập, chồng chéo. Trong đó, việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng hệ thống chế độ chính sách đối với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và văn nghệ sĩ, đầu tư đặt hàng, tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác, thành lập quỹ sáng tác cần được chú trọng, tạo nên những chuyển biến mang tính đồng bộ để văn hóa, nghệ thuật phát triển tương xứng với vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển văn hóa của thời kỳ mới. Hoạt động đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị như máy móc kỹ thuật, trường quay đối với hoạt động điện ảnh chưa thực sự đúng mức, chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi và đặc biệt là chưa bắt kịp nhu cầu thời đại hiện nay. Để khắc phục những khó khăn trên, Hà Nội cần
đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển theo định hướng chung là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội; Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuận tiện hơn trong công tác tổ chức, thực hiện… Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung, nhanh chóng xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025; cụ thể hóa nhiệm vụ trong việc thực hiện Nghị quyết đó bằng các kế hoạch, chương trình hằng năm. Trong đó cần xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác.

Phương Nguyên / laodongthudo.vn