Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhiều địa phương của Hà Nội đã và đang tạo ra hướng đi riêng phù hợp với đặc thù. Trong đó, có việc tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái – tự nhiên, bản sắc văn hóa.

Khơi mở hướng đi riêng

Tự hào về mô hình “du lịch – sinh thái – làng nghề” Hồng Vân (huyện Thường Tín), ông Nguyễn Văn Đễ – người sinh sống ở địa phương này giới thiệu: Là dải đất được phù sa sông Hồng bồi tụ, từ lâu nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh và hiện đã có 2 làng được công nhận làng nghề sinh vật cảnh là làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên, Hồng Vân còn được mệnh danh là “miền quê sạch đẹp bốn mùa” với diện tích cây xanh đạt bình quân 2m2/người…

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, năm 2014, Hồng Vân đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Để tạo đột phá mới, Hồng Vân tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh.

Mỗi năm xã đón khoảng 70.000 du khách tới tham quan khu trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh; trải nghiệm cùng các mô hình trang trại; thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực đồng quê… Doanh thu từ hoạt động du lịch lên tới hơn 10 tỷ đồng…

Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch
Nghề sinh vật cảnh tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Được biết, hiện tại, Hà Nội đã xây dựng được hơn chục trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Một trong số những địa phương sớm hình thành mô hình du lịch nông nghiệp và có nhiều thành công chính là xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội). Đây là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng Nông thôn mới định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái.

Địa phương đã xây dựng mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm năm thành viên với quy mô gần 5ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn.

Với hai vụ thu hoạch trong năm, ước tính sản lượng nho đạt từ 50 đến 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân. Mô hình vừa tạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.

Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch
Trang trại Chimi Farm 4 tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là một điển hình về mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Trang trại mang tên Chimi Farm 4 nằm trên bãi bồi sông Hồng, tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cũng là một điển hình về mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Anh Vũ Văn Lực, chủ trang trại cho biết: Khu vườn trồng nho có diện tích 2,5ha với 1.000 gốc gồm nhiều giống nho khác nhau, trong đó có loại nho đen không hạt của Nhật Bản. Thời điểm vườn nho cho thu hoạch, nhiều du khách đến trải nghiệm, tự tay lựa những chùm nho chín mang về.

Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái

Được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh của thành phố, huyện Sóc Sơn xác định sẽ hướng tới mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1/3 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đồng thời phát triển nông nghiệp sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã luôn đoàn kết, phấn đấu, phát triển không ngừng và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Huyện được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh của Thành phố.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm duy trì ở mức tăng trưởng khá. Đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội phát triển, công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, nhờ đó bộ mặt nông thôn đã được đổi mới. Kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách trên địa bàn các năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên huyện đã tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ không bị đứt gãy gián đoạn do dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng tốt, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp hoạt động thường xuyên và việc làm cho người lao động được bảo đảm.

Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch
Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao.

Về xây dựng xã nông thôn mới, đến nay, huyện đã có 13/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đối với 2 xã Phù Lỗ và Đức Hòa được Thành phố giao nhiệm vụ hoàn thành nông thôn mới nâng cao, số chỉ tiêu đạt theo quy định là 56 chỉ tiêu, tương đương 74,67%.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên diện mạo nông thôn đã thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm. Ngày 6/4/2021, huyện Sóc Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Hầu hết, người dân trên địa bàn huyện đều có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%, đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020; 100% số xã kết nối internet; hầu hết các hộ gia đình có điện thoại. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 77%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%.

“Ngành Nông nghiệp của huyện tiếp tục thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, năm 2020 tăng 5,6%, năm 2021 tăng 4,79% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra”, ông Thanh chia sẻ.

Hiện huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của huyện đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà vi sinh theo hướng hữu cơ (Hộ chăn nuôi Thu Thoan, diện tích 500m2), mô hình nuôi gà đẻ trứng (HTX công nghệ cao Việt, diện tích 2.000m2), mô hình nấm công nghệ cao KMS (Công ty CP nấm KMS, diện tích 0,8ha)…

Ông Dương Văn Huấn, Giám đốc HTX liên minh vận chuyển hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Xã Thanh Xuân là địa phương đi đầu trong phong trào sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ và là sản phẩn tiêu biểu của nông nghiệp Hà Nội. Sản xuất rau hữu cơ không chỉ mang lại thu nhập cao cho nông dân mà đã góp phần thay đổi thói quen của người dân trong chăm sóc cây trồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay thế bằng thuốc thảo mộc. Kết quả sau hơn 10 năm gắn bó và duy trì theo con đường sản xuất hữu cơ, bà con nơi đây đã làm chủ được kỹ thuật canh tác, sản phẩm phong phú được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận, đem lại nguồn thu nhập ổn định cùng một môi trường trong lành, sức khỏe tốt.

Nói về việc phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường thông tin: Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê… Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Để mô hình này phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội xác định phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược. Tuy nhiên, các mô hình này còn khoảng cách khá xa so với thế mạnh và tiềm năng của Hà Nội. Nguyên nhân chính là việc phát triển các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn và việc điều chỉnh quy hoạch cũng còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái hiện nay chưa sát với thực tế phát triển…

Thiện Tâm
https://laodongthudo.vn/phat-trien-nong-nghiep-sinh-thai-gan-voi-du-lich-142935.html