Phát triển văn hoá, con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và giáo dục của cả nước. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội mang tầm vóc mới, trở thành 1 trong 10 thủ đô lớn nhất thế giới và là niềm tự hào cho mọi công dân Thủ đô. Sống trên mảnh đất là nơi tập trung linh khí đất trời, hội tụ các nền văn hoá, người Hà Nội có điều kiện chắt lọc và thẩm thấu vẻ đẹp nhân cách và tâm hồn từ khắp nơi.

Trước hợp nhất, Hà Nội và Hà Tây có những nét riêng về văn hoá vùng miền. Hà Nội là văn hoá chốn kinh kỳ với những giá trị tinh thần bền vững được lưu truyền và phát triển hàng nghìn năm văn hiến. Đó là lòng tự trọng, nhân ái, bao dung yêu chuộng hoà bình, giàu nghĩa khí, trọng học thức, chuộng cái đẹp… Đặc biệt là nét thanh lịch, hào hoa của người Tràng An với phong cách lịch lãm, tinh tế trong giao tiếp, ứng xử, trong trang phục, trong văn hoá ẩm thực… Hà Tây là văn hoá xứ Đoài có những nét văn hoá lãng xã đặc thù rất đặc sắc. Đặc biệt Hà Tây là nơi nổi tiếng với những đình đền chùa như chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Hương… Sau hợp nhất, văn hoá xứ Đoài đã hoà nhập với văn hoá của Thăng Long, trong đó nền tảng văn hoá Phật giáo chính là cơ sở chung của hai nền văn hoá.

Nét dịu dàng, thanh lịch của người Tràng An xưa. Ảnh: Internet.

Ngay sau hợp nhất, nhận thức được tầm quan trọng và vị thế lớn lao của Thủ đô, tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ là phát triển văn hoá Thủ đô – trái tim của cả nước, xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, với danh hiệu cao quý Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hoà bình, tiêu biểu cho cả nước; gắn nhiệm vụ phát triển văn hoá, giáo dục giá trị sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh với các nhiệm vụ khác. Nhiều giá trị văn hoá, truyền thống được phát huy; giáo dục giá trị sống mang bản sắc Hà Nội cho mỗi công dân, giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các mối quan hệ giàu tính nhân văn; tiếp nhận có chọn lọc văn hoá thế giới tạo dựng người Hà Nội năng động, sáng tạo…
Trong những năm gần đây, xây dựng văn hoá, xây dựng con người Hà Nội luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, chú trọng. Thành phố xác định nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh phải gắn với điều kiện và đặc thù riêng của Hà Nội. Chương trình 04/CTr-TU của Thành uỷ về “Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã được liên tục triển khai qua nhiều năm, bao quát nhiều nội dung như triển khai thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, nơi công cộng; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Người tốt, việc tốt”, thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”, xây dựng các danh hiệu văn hoá như “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá”…
Trong quá trình triển khai, nhiều đơn vị, địa phương đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay, cụ thể hoá như: Phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp”, “Tuần lễ áo dài xuống phố”, “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường tự quản văn minh”, “Biến bãi rác thành vườn hoa”… Những việc làm này đã có những tác động tích cực đến nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc phát huy truyền thống thanh lịch của người Hà Nội trong cuộc sống hiện đại.
Cùng với đó, Thành phố đã đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội với sự vào cuộc của các hệ thốngchisnh trị ở các cấp, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cưới mới, tiết kiệm, văn minh, ý nghĩa như: tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà; mô hình cưới 1 ngày…
Các hoạt động, phong trào xây dựng đời sống văn hoá được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia, góp phần tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh, tiến bộ. Các mô hình văn hoá với những tiêu chí chặt chẽ, rõ ràng, đề cao sự tiến bộ, văn minh là môi trường lành mạnh để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất, trí tuệ, tâm hồn của con người. Bởi vậy, những giá trị văn hoá cơ bản của người Hà Nội vẫn được gìn giữ, phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu, thói quen không tốt tồn tại lâu đời dần được loại bỏ.
Việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Bộ tài liệu nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hoá cho học sinh phổ thông; định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho học sinh. Không chỉ hướng mục tiêu đến các em học sinh, việc thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh còn trở thành phong trào thi đua trong đội ngũ giáo viên, góp phần lan toả tích cực trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa Thủ đô cho thế hệ trẻ. Ảnh: Tô Nga.

Đặc biệt, hai bộ quy tắc ứng xử được tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực thể hiện ở việc kỷ cương nội vụ, thái độ tiếp dân, chất lượng công vụ trong các cơ quan nhà nước được nâng cao một bước. Chuẩn mực ứng xử nơi công cộng dần hình thành trong nếp nghĩ của cư dân, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa, ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng… Có thể thấy, việc triển khai hai bộ quy tắc ứng xử và giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiệm vụ phát triển văn hoá, giáo dục giá trị sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Mặt trái của nền kinh tế thị trường phàn nào làm phong hoá, lu mờ nhiều nếp sống đẹp của người Tràng An xưa; nét đẹp thanh lịch, văn minh, nhất là trong giao tiếp ứng xử không còn là nếp sống tự giác, phổ biến, chưa thành thói quen… Những tồn tại trên đã ảnh hưởng tới sự phát triển văn hoá và giáo dục giá trị sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Chính vì lẽ đó, ngày 17/3/2021, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025” với mục tiêu là phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến; Thành phố vì hoà bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Xác định rõ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Thanh Hoa/nguoihanoi.com.vn