Phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian tại lễ hội Chùa Láng

Sau 70 năm, lần đầu tiên lễ hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) sẽ phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian đã làm nên nét độc đáo riêng có của hội xuân xưa vùng kẻ Láng. Qua đó, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Láng và lan tỏa giá trị văn hóa lịch sử đến người dân.

Di tích chùa Láng (tên chữ là Chiêu Thiền tự) thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, là một trong 12 di tích tiêu biểu của thủ đô Hà Nội được xếp hạng cấp quốc gia trong đợt đầu tiên của cả nước vào năm 1962.

Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ vị thiền sư nổi tiếng Từ Đạo Hạnh và hiện thân của Ngài là vua Lý Thần Tông. Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 4611/QĐ-BVHTTDL công nhận lễ hội chùa Láng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Từ lâu dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba/Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”. Theo tập quán từ lâu đời, hằng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch là ngày Tăng Khánh – ngày Thiền Sư họ Từ hóa ở Chùa Thầy, đó cũng là ngày đồng thời Vua Lý Thần Tông được sinh ra, nên ngày này được lấy làm ngày chính Hội chùa Láng và Hội chùa Thầy.

Phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian tại lễ hội Chùa Láng
Ban Tổ chức tích cực diễn tập chuẩn bị cho lễ hội chùa Láng.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý di tích phường Láng Thượng Trần Quang Huy: Hội Láng xưa diễn ra trong 10 ngày được 9 làng tham dự, là hội lớn nhất và hấp dẫn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long. Vì thế, cứ 10 – 15 năm mới rước Thánh một lần, đấy là năm đại hội “phong đăng, hỏa cốc”, “dân khang vật thịnh”.

Từ tháng Giêng, tháng 2, các cụ cao niên, các vị chức sắc đã bàn kén chọn thủ kiệu, hàng đô. Dân làng lo chuẩn bị lễ vật, hàng giáp làm pháo lệnh, pháo thăng thiên để cho cuộc “Đấu thần”. Đường xá dọn dẹp phong quang, đội nữ múa dâng hoa luyện tập từ sau Tết.

Đội rước gồm hai cụ thủ kiệu, là người có uy tín trong dân. Cụ thủ kiệu chân đi hia, mặc quần trắng, áo thụng xanh, đầu đội mũ tế. Các trai làng khiêng kiệu gọi là “hàng đô”, đầu đội mũ quả dưa, đóng khố ngang lưng, thắt bao đen, mình trần, quàng mảnh vải điều chéo qua vai gọi là khăn vắt.

Hội Láng bắt đầu bằng đám rước bát hương đến chùa Nền, với ý nghĩa Thánh về thăm nơi chôn rau cắt rốn, dâng lễ biểu hiện lòng hiếu thảo, kính trọng người đã sinh ra mình.

Sáng mùng 6 tháng 3, trước khi làm lễ Mộc Dục có bài khấn giải y, thất cà sa để mặc áo long bào, chứng tỏ ngày lên ngôi Hoàng đế.

Đám rước này không lớn, chủ yếu là rước bát hương. Náo nhiệt, hấp dẫn là mùng 7 tháng 3 với những nghi thức trang trọng và đám rước qui mô hoành tráng. Tối mùng 6 tháng 3, sau khi từ chùa Tam Huyền về, dân làng đưa tượng Thánh ra ngự ở lầu Bát giác. Nghi lễ múa chầu Thánh do 10 cô gái thanh tân thể hiện. Các cô mặc áo tứ thân, đầu vấn khăn nhiễu điều, váy lĩnh, thắt lưng hoa lý, đeo xà tích. Mỗi lòng bàn tay đỡ một ngọn nến đang cháy, mu bàn tay đeo một bông hoa. Hòa với tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, họ múa quanh lầu Bát giác.

Phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian tại lễ hội Chùa Láng
Tái hiện lễ rước cổ truyền.

Sáng sớm ngày mùng 7 tháng 3, theo hiệu lệnh của hai cụ thủ kiệu, 18 kép “hàng đô” nhanh chóng xếp thành hai hàng ở sân chùa. Theo lệnh truyền, “hàng đô” từ từ rước Thánh ở lầu Bát giác ra chỗ sập đá ngoài Tam Quan, ngự trên cỗ kiệu đã được chờ sẵn.

Khi Thánh yên vị, chiêng trống nổi lên. Dứt một hồi 3 tiếng, dàn nhạc bắt đầu hòa tấu xen vào với tiếng pháo hiệu nổ. Hàng đô đặt kiệu lên vai bước ra cửa Tam Quan. Đến đây dừng lại chờ đám rước các làng khách đến hộ giá. Đám rước của 9 làng dài đến 1 cây số (7 làng thuộc tổng Hạ và làng Thượng Đình, Thượng Yên Quyết). Đoàn rước kiệu thứ tự khởi hành: Đi đầu là cờ ngũ hành, cờ bát quái, cờ tuyết mao, trống chiêng, ngựa gỗ đều che tàn.

Tiếp theo là chấp kích, bát bửu, tay văn, tay võ, phường đồng văn có đám múa Trống bồng, múa Sênh Tiền, phường Bát Âm, rồi đến Long Đình, bày hương hoa, bài vị được che Tán, Lọng, cuối cùng đến Long kiệu của Thánh. Sau kiệu Thánh là các vị chức sắc, các cụ cao niên, các vị sư sãi, cuối cùng đến dân làng và khách thập phương.

Phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian tại lễ hội Chùa Láng
Người dân háo hức chờ mong từ các buổi diễn tập.

Đám rước đến cầu Yên Quyết thì dừng lại chờ kiệu Thánh “Độ Hà”, nghĩa là kiệu không đi trên cầu mà vượt qua sông. Kiệu nặng, sông sâu, khi khênh kiệu lội sông, phải giữ được thăng bằng – ấy là một việc khó, đòi hỏi “Hàng Đô” phải tài trí, khéo léo.

Sau lễ rước, từ mồng 8 tháng 3 trở đi, các vị chức sắc kỳ mục, các cụ phụ lão lần lượt tế ở chùa Láng. Đây là nét đặc biệt, chỉ có ở một vài nơi bởi được tế trong chùa tức là Thiền sư Từ Đạo Hạnh vừa là Phật vừa là Thánh. Đến ngày 15 tháng 3, lễ tạ, làm lễ giải triều phục, mặc áo cà sa nhà Phật cho Thánh.

Phục dựng toàn bộ nghi thức dân gian tại lễ hội Chùa Láng
Các buổi diễn tập có sự tham gia chị đạo của lãnh đạo phường và lực lượng công an.

Trải qua hàng trăm năm, lễ hội chùa Láng, vì nhiều nguyên nhân, có những giai đoạn bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng. Gần đây nhất là khoảng thời gian từ năm 1953 đến nay, chùa Láng thường chỉ tổ chức hội lệ (tế, lễ tại chùa), các nghi thức rước, tục hèm không được thực hành đầy đủ.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chùa Láng Phạm Thị Hồng Hải, lễ hội chùa Láng năm nay ghi dấu mốc lần đầu tiên sau 70 năm khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền, làm nên nét hấp dẫn của “hội trận” độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam.

Ủng hộ việc phục dựng lễ hội truyền thống Chùa Láng, ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa cho hay: “Về lâu dài, để di sản trường tồn theo thời gian, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội chùa Láng; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị quản lý, cộng đồng thực hành nghi lễ di sản và nhân dân tham gia lễ hội, tránh những hiểu biết sai lệch dẫn đến làm biến đổi các giá trị truyền thống”.

Lễ hội chùa Láng năm nay sẽ diễn ra từ ngày 25 – 27/4 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng ba năm Quý Mão). Ngày thứ nhất, mùng 6/3 sẽ diễn ra Lễ “Cáo yết” của đại diện chính quyền và một số cụ cao tuổi phường Láng Thượng tại Chùa Tam Huyền (phố Thượng Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) – nơi thờ Đức Thánh Phụ ( cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh).

Ngày thứ hai, ngày mùng 7 tháng 3: Khai mạc lễ hội (Thực hiện các nghi thức như: Lễ Thượng đường, đánh trống khai hội. đọc thần phả, dâng hương… tại chùa Láng). Rước kiệu từ chùa Láng đến chùa Hoa Lăng (phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Tái hiện một số nghi thức truyền thống đặc sắc như: “Độ Hà”, “Đấu thần” trong quá trình rước kiệu Thánh. Thực hiện nghi lễ truyền thống tại chùa Hoa Lăngvà rước kiệu về lại chùa Làng

Ngày thứ ba, mùng 8 tháng 3, tổ chức các hoạt động dâng hương, trò chơi dân gian tại chùa Láng.

Lê Thắm
https://laodongthudo.vn/phuc-dung-toan-bo-nghi-thuc-dan-gian-tai-le-hoi-chua-lang-154831.html