Phúc Thọ – ”mỏ vàng” sản vật

Năm Minh Mạng thứ ba (1822), huyện Phúc Lộc được đổi tên thành Phúc Thọ. Năm nay, tròn 200 năm tên Phúc Thọ ra đời, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử này không ngừng phát triển cùng nhiều đặc sản, sản vật nức tiếng ẩn chứa nét văn hóa độc đáo, là nguồn “tài nguyên” quý – thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương…

Thu hoạch “rau muống tiến vua” ở làng Linh Chiểu (xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ).

Nức tiếng sản vật ngon

“Sài Sơn chi biển bức, Cấn Xá chi lý ngư, Khánh Hiệp chi kỳ bành, Linh Chiểu chi úng thái” (tức: Dơi ngựa Sài Sơn, cá chép Cấn Xá thuộc huyện Quốc Oai; cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu thuộc huyện Phúc Thọ) được người dân xứ Đoài truyền tụng là “tứ dị” (4 của ngon vật lạ của đất Sơn Tây dùng để tiến vua).

Trong số 4 sản vật đó, chỉ còn “rau muống tiến vua” Linh Chiểu, xã Sen Chiểu (Phúc Thọ) duy trì đến ngày nay. Đây là giống rau có ngọn to, dài, lá thưa, ăn giòn, ngọt. Tương truyền, người xưa trồng “rau muống tiến vua” rất kỳ công. Những ngọn rau muống mới nhú được luồn vào trong vỏ ốc rỗng (thường là vỏ ốc nhồi). Lúc thu hoạch, rau được ngắt lấy phần ngọn nằm sâu trong vỏ ốc, trắng nõn, xoắn lại, rất đẹp mắt…

Người dân Linh Chiểu lý giải, sở dĩ rau muống ngon là bởi nơi đây có mạch nước sủi lộ thiên và được phù sa màu mỡ từ sông Hồng bồi đắp. Yếu tố thổ nhưỡng và giống rau chính là bí quyết tạo nên vị ngọt, giòn của “rau muống tiến vua”. Có lẽ do đặc trưng đó nên nhiều nơi lấy giống rau muống ở đây về trồng nhưng chất lượng không sánh bằng.

Từ năm 2007-2009, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân khôi phục giống “rau muống tiến vua” và mở rộng sản xuất. Từ 1ha trồng thí điểm, đến nay, cả xã có 25ha trồng rau muống với 250 hộ. Cũng từ đây, thương hiệu “Rau muống tiến vua Sen Chiểu” (xã Sen Chiểu trước đây nay sáp nhập với xã Phương Độ thành xã Sen Phương) đã được người dân và người tiêu dùng chính thức sử dụng.

“”Rau muống tiến vua” được trồng theo quy trình VietGAP và giao cho hợp tác xã nông nghiệp của xã chỉ đạo sản xuất. Việc giữ gìn và phát triển được giống rau quý lâu đời khiến người dân rất mừng”, ông Tín chia sẻ.

Chị Kiều Thị Hằng, ở thôn 6, trồng hơn 2 mẫu “rau muống tiến vua” cho biết, rau giống được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những ngọn mập, khỏe, cấy phải thưa và bảo đảm ruộng luôn ngập nước để rau vươn dài. Sau thời gian thu hoạch 4-5 tháng, người dân lại phá đi, cấy lại để rau bảo đảm có ngọn mập, ngon. Rau muống cho năng suất cao nhất từ tháng 4 đến tháng 10; mùa đông kém hơn nhưng khi luộc hoặc xào vẫn giòn, ngọt, vị đậm, nước xanh trong…

Nghề làm bún ở Linh Chiểu (xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ).

Cũng là một trong những món ăn bình dị, người dân làng Hòa Thôn (xã Tam Hiệp) lại nổi tiếng với đặc sản cà dầm tương. Món ngon nhớ lâu, thế nên, người dân vùng xứ Đoài vẫn truyền miệng câu ca “Tre Đằng Ngà, tương cà Hòa Thôn”.

Ông Đỗ Hữu Trải, hộ làm cà dầm tương lâu đời ở Hòa Thôn cho biết, mỗi năm, gia đình làm hàng nghìn quả cà dầm tương. Muốn có sản phẩm tốt thì ngay từ khâu chọn nguyên liệu cũng phải rất kỹ lưỡng. Cà là loại cà bát trắng to, mỗi cân chỉ khoảng 3 quả, được hái buổi sớm, tươi ngon. Từng quả cà được làm sạch bỏ núm rồi xếp vào vại cùng muối tinh nén chặt độ gần một tháng mới lấy ra rửa sạch, chọc, vắt cho ra hết nước, sau đó xếp cà vào trong chum rồi đổ ngập tương.

Nước tương như chất bảo quản tự nhiên ướp những quả cà lép xẹp ngấm sâu vị mặn vào ruột. Cà ngâm trong tương không thể ăn xổi được, chí ít cũng phải 8 tháng đến 1 năm, càng lâu ăn càng ngon.

Nhờ sự kỳ công nên món cà dầm tương nơi đây tạo được hương vị riêng hấp dẫn du khách. Chị Hoàng Thị Thoàn, xã Tam Hiệp cho biết, vượt ra khỏi làng quê, cà dầm tương Hòa Thôn trở thành đặc sản. Vì thế, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên, quả cà tuy nhỏ nhưng có giá từ 40 đến 50 nghìn đồng mỗi quả và là món quà biếu ý nghĩa cho người nơi xa.

Biến tiềm năng thành thế mạnh

Những năm gần đây, người dân Phúc Thọ đã nhanh nhạy trong phát triển kinh tế, biến những sản vật dân dã trở thành các sản phẩm hàng hóa, có giá trị cao. Ở xã Tam Hiệp, nhiều gia đình bắt đầu khôi phục lại nghề làm cà dầm tương.

Chị Hoàng Thị Thoàn (xã Tam Hiệp) cho hay: “Xã hội càng phát triển, kinh tế của các gia đình càng khá giả, nhu cầu thưởng thức các món đặc sản càng tăng. Dẫu cho quả cà muối thông thường ngoài chợ chỉ có giá vài nghìn đồng nhưng khi dầm tương có giá 40-50 nghìn đồng/quả – cao gấp cả chục lần thì người sành ăn vẫn sẵn sàng chi tiền để thưởng thức”.

 Cà dầm tương Hòa Thôn (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ).

Chủ tịch UBND xã Sen Phương Nguyễn Văn Tín cho biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 20ha “rau muống tiến vua” được người dân tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, thị trường trong và ngoài huyện. “Chúng tôi đang tuyên truyền để người dân hoàn thiện sản phẩm, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố để nâng cao hơn giá trị”, ông Nguyễn Văn Tín cho biết.

Không chỉ nổi tiếng với rau muống tiến vua, người dân làng Linh Chiểu còn nghề truyền thống làm bún, bánh cuốn, bánh tẻ, đậu phụ. Năm 2001, Linh Chiểu đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề chế biến nông sản thực phẩm truyền thống.

Hiện nay, cả thôn có 225 cơ sở với gần 500 lao động duy trì và phát triển nghề. Mỗi năm, làng nghề mang lại giá trị sản xuất gần 500 tỷ đồng. Xã đang tập trung hoàn thiện thủ tục xây dựng thương hiệu nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.

Bên cạnh những sản vật nức tiếng trong lịch sử, ngày nay, Phúc Thọ còn phát triển được nhiều nông sản hàng hóa có giá trị cao: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, tương nếp xã Tam Hiệp, nghề bún, bánh thôn Linh Chiểu (xã Sen Phương), trồng hoa Tam Thuấn, Tích Giang… là những ví dụ điển hình. Nhờ đó, đời sống nông dân Phúc Thọ ngày càng được cải thiện. Nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ nông nghiệp.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, từ năm 2019 đến 2021, Phúc Thọ đã có 50 sản phẩm được công nhận trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Trong đó, chiếm đa số là sản phẩm nông nghiệp như: Rau an toàn Thanh Đa, Vân Phúc; bưởi Vân Hà, Hiệp Thuận; chuối Vân Nam…

Phúc Thọ đang sôi nổi với các chuỗi hoạt động kỷ niệm 200 năm danh xưng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn khẳng định, với tiềm năng rất lớn, định hướng của huyện Phúc Thọ là khai thác lợi thế gắn với phát triển nông sản đặc sản và du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm làng nghề. Huyện tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, làm du lịch bền vững, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thương mại – du lịch nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách đến Phúc Thọ nhiều hơn nữa.

Nguyễn Mai

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/826847/phuc-tho—mo-vang-san-vat