Quận Hai Bà Trưng: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19

Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng BA.5 của chủng Omicron ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, UBND quận Hai Bà Trưng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

“Vũ khí” quan trọng hàng đầu

Thực hiện Công văn số 1005/UBND-TTYT ngày 13/7/2022 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và Công văn số 1555/KSBT-PCBTN ngày 14/7/2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đợt 72, căn cứ số liệu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tiếp tục tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn quận.

Để thực hiện hoạt động, Trung tâm Y tế quận phối hợp với UBND 18 phường, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn quận tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo số lượng vắc xin được giao từng đợt của Thành phố.

Căn cứ vào số đối tượng cần tiêm của từng địa bàn, Trung tâm Y tế quận tổ chức các điểm tiêm chủng phù hợp, đảm bảo bố trí điểm tiêm đúng quy trình chuyên môn và sử dụng vắc xin có hiệu quả. UBND các phường và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận tăng cường rà soát, vận động, không bỏ sót các đối tượng trong diện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế nếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin.

Quận Hai Bà Trưng: Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19
Vắc xin vẫn được coi là “vũ khí” quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin quận hướng dẫn các phường cùng các nhà trường tăng cường cung cấp tin, bài tuyên truyền về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin được sử dụng, lợi ích của việc tiêm phòng, tính an toàn của vắc xin, lịch tiêm chủng; phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh phường để người dân có đầy đủ thông tin và hoàn toàn tin tưởng, yên tâm, thực hiện đi tiêm phòng vắc xin đúng lịch khi nhận được giấy mời tiêm chủng.

Vắc xin phòng Covid-19 được sử dụng trong đợt tiêm chủng này là vắc xin Pfizer. Trong đó, vắc xin Pfizer trẻ em (nắp cam) được sử dụng để tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; vắc xin Pfizer loại sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên (nắp tím) để tiêm mũi cơ bản, nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Hiện Omicron là chủng phổ biến nhưng chưa phải là cuối cùng và rất có khả năng còn xuất hiện những biến chủng mới khiến các ca nhiễm nặng gia tăng, đặc biệt ở nhóm người dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh lý nền…

Để phòng, chống đại dịch Covid-19, vắc xin vẫn được coi là “vũ khí” quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng. Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt việc bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, tuy nhiên, kháng thể bảo vệ của vắc xin sẽ giảm đi theo thời gian. Do đó, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là vô cùng quan trọng nhằm giảm thiểu việc nhiễm bệnh, đặc biệt là hạn chế được các ca bệnh nặng.

Tiêm vắc xin để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch

Chị Trần Thanh Mai (trú tại phường Đại La, quận Hai Bà Trưng) – người mới tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 cho biết: “Do tính chất công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người, do đó, tôi luôn ý thức phải thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe chính mình cũng như cho gia đình, xã hội. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tôi luôn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, tiêm chủng đầy đủ và đến nay đã tiêm xong mũi 4.

Tôi thấy nhiều người sau khi mắc Covid-19 đã xuất hiện tâm lý coi mình “miễn dịch”, không cần áp dụng các biện pháp phòng dịch cũng như không đi tiêm phòng. Điều này rất nguy hiểm, chúng ta đã từng chứng kiến những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nguy hiểm như thế nào. Vì vậy, theo tôi mỗi người dân cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện nghiêm túc việc tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19″.

Đồng quan điểm, chị Lưu Nga (trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho hay, sau thời gian dịch Covid-19 tạm lắng, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch ở một bộ phận người dân. Nhiều người sau khi mắc Covid-19 cho rằng bản thân đã miễn dịch nên thoải mái đi khắp nơi mà không thực hiện bất cứ biện pháp phòng dịch nào, cũng không muốn tiêm mũi nhắc lại phòng Covid-19.

“Tuy số ca mắc Covid-19 trong nước có xu hướng giảm mạnh thời gian qua, nhưng số ca mắc mới đang có xu hướng tăng trở lại tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng. Do vậy, theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiêm vắc xin tăng cường theo đúng lộ trình để duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe của chính bản thân”, chị Nga nói.

H.Phong