Năm 2001, Hội đồng vùng Ile-de-France và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã thống nhất thành lập Dự án hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội – Ile-de-France (IMV). Theo đó, IMV đã tham gia hỗ trợ lập đồ án Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội; Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham gia nghiên cứu Quy hoạch chung Đô thị Hòa Lạc đến năm 2030.
UBND thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France ký kết Chương trình hành động Hà Nội – Ile-de-France giai đoạn 2022 – 2025. |
Về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị gắn kết phát triển du lịch, IMV hỗ trợ hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới đối với khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; nghiên cứu phát huy giá trị du lịch của làng cổ Đường Lâm và một số làng nghề của Hà Nội; phối hợp nghiên cứu bảo tồn và phát triển Khu phố Pháp tại Hà Nội từ năm 2007.
Về giao thông đô thị, IMV thực hiện cải tạo xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt Thụy Khuê; Quy hoạch 3 điểm trung chuyển xe buýt kiểu mẫu tại Cầu Giấy, Long Biên và Hoàng Quốc Việt; Quy hoạch xây dựng thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ; nghiên cứu quy hoạch điểm trung chuyển đa phương thức đầu tiên tại Nhổn; thực hiện nghiên cứu sơ bộ làm tiền đề cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3.
Về môi trường, phía Ile-de-France hỗ trợ triển khai các dự án cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường tại huyện Gia Lâm về nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện.
Về việc đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ của thành phố Hà Nội, trong hơn 15 năm qua, IMV đã thực hiện nhiều khoá đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ của nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội do các chuyên gia Vùng Ile-de-France trực tiếp giảng dạy.
IMV cũng liên tục tổ chức các chuyến tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm cho các đoàn cán bộ của nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội tại Pháp và một số nước châu Âu về quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn di sản, giao thông công cộng đến môi trường, khai thác du lịch…
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và đoàn đại biểu Thành phố sang Pháp vào tháng 6/2018, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 – 2021.
Nối tiếp thành tựu đó, đầu năm 2022, UBND Thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France đã ký kết Chương trình hành động Hà Nội – Ile-de-France giai đoạn 2022 – 2025. Sự kiện được xem là một dấu mốc mới có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ giữa Hà Nội và vùng Ile-de-France tiếp tục là một mô hình kiểu mẫu về hợp tác cấp địa phương giữa Việt Nam và Pháp.
Với định hướng phát huy giá trị các kinh nghiệm phát triển của vùng Ile-de-France trong các dự án chung với Hà Nội, Chương trình hành động chung giai đoạn 2022 – 2025 đã ghi nhận mong muốn hợp tác của hai bên trong các lĩnh vực: môi trường và phát triển bền vững; quy hoạch đô thị; phát triển kinh tế; văn hóa, di sản và du lịch; sáng tạo và nghiên cứu.
Đây đều là những lĩnh vực thế mạnh của vùng Ile-de-France, đồng thời là lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô Hà Nội trong quá trình phát triển và xây dựng đô thị bền vững, đáp ứng lợi ích của cả hai bên và góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và giao lưu nhân dân giữa hai địa phương.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng khi Hà Nội là nơi diễn ra Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.
Hội nghị diễn ra từ ngày 13 – 16/4/2023, có chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực phục hồi và phát triển bền vững toàn diện sau đại dịch Covid-19”.
Hội nghị sẽ là dịp để các địa phương, các đối tác hợp tác của hai nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, định hướng hợp tác trong trong bối cảnh mới, đặc biệt xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề về: Cơ hội và thách thức về môi trường, nước và xử lý nước; thành phố thông minh và số hóa; văn hóa, di sản và du lịch; đô thị bền vững…
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức như: Không gian quảng bá các địa phương với quy mô 100 – 120 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam; Lễ hội “Balade en France” với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp – Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Pháp); Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Pháp…