Quán nước vỉa hè Hà Nội qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Pháp

Thay vì khắc họa chúng bằng sự hoài cổ, nhiếp ảnh gia Pháp miêu tả không gian trà đá trong trạng thái đồng hành với sự chuyển mình, vận động liên tục của cuộc sống. Sự vá víu và có phần “lộn xộn” trong cách bày biện tạo nên một không gian vừa mang tính chất công cộng vừa mang vẻ riêng tư giữa lòng đô thị.

Triển lãm Một thành phố khác – công cộng, riêng tư, thầm kín của nhiếp ảnh gia Joseph Gobin (Pháp) và nghệ sỹ thị giác Nguyễn Phương (Việt Nam) diễn ra từ ngày 7/11-30/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Những tác phẩm được giới thiệu tại đây sẽ đưa tới cho người xem hình ảnh một Hà Nội vừa quen vừa lạ, vừa cởi mở lại vừa ẩn chứa nỗi niềm riêng tư của từng nghệ sỹ. Joseph Gobin đã chụp lại một không gian sinh hoạt đặc biệt của người Hà Nội – khung cảnh quán nước trên các hè phố.

Thay vì khắc họa chúng bằng sự hoài cổ, nhiếp ảnh gia Pháp miêu tả không gian trà đá trong trạng thái đồng hành với sự chuyển mình, vận động liên tục của cuộc sống. Sự vá víu và có phần “lộn xộn” trong cách bày biện tạo nên một không gian vừa mang tính chất công cộng vừa mang vẻ riêng tư giữa lòng đô thị.

Một chiếc dù lớn màu đen ngả sang bên, chạm vào nền bê tông. Từ dưới chiếc bóng đổ dài, lưng ai đó chìa ra trong nắng, phía sau là một bức tường khó nhận rõ. Gần đó, một thân cây vươn cao, kẹp giữa hai cành một chiếc bàn thờ vô danh nhỏ.

Ghế đẩu nhựa và bình thuỷ nấp sau một tấm bạt lớn vòng quanh một gốc cây to, chẳng hiểu mục đích làm gì

Mang vẻ ngẫu nhiên, tuỳ tiện – đây là những quán nước chè. Dựa vào tường, nấp sau cây, hay có khi nằm ngay giữa một khoảnh đất trống, những quán nước này, chẳng khác gì nấm dại, mọc chỗ nọ chỗ kia, vay mượn sự sống từ những ngôi nhà, những công trình xây dựng khác, và cùng lúc, mang cho khách dừng chân một khoảng lặng trước khi trở lại với nhịp sống đẩy đưa.

Quán nước chè, về cơ bản, là sự chiếm dụng không gian công cộng. (Nhà chức trách đã không ít lần thử cố dọn dẹp “thể loại” này). Thế nhưng rồi, nghĩ đi nghĩ lại: đâu là ranh giới phân chia giữa không gian chung và riêng? Khi nào ranh giới này bị xé bỏ? Khi một người xâm phạm, khi công chúng thay khái niệm, hay khi nhà nước phổ điều luật mới? Ở thành phố này, nơi những chuyện riêng tư tràn ra hè phố, những quán nước chè đối với chúng dân chẳng có gì là xâm phạm gớm ghê. Mà còn là cái hồn, cái tuý của đời sống nơi này.

Người Việt Nam cho rằng lịch sử quán nước chè có lẽ bắt đầu từ những ngày xưa cổ nhất, nơi ai nấy đều làm nông. Quán nước khi ấy sẽ nằm dưới một bóng cây to nằm giữa các ruộng lúa với bàn ghế bằng gỗ, bằng mây. Người ta tới uống chè giải khát. Người ta hàn huyên, người ta truyền nhau chuyện này chuyện nọ.

Thời đại thay đổi. Đường thị thành thêm nhiều ô tô thành chật. Nhà thành phố thêm nhiều tầng thành cao. Tiệm trà, cà phê mọc khắp nơi, máy lạnh chạy vù vù. Thế nhưng, chưa công cuộc chỉnh trang đô thị nào đã quét sạch được các quán nước chè xuất xứ nhà nông. Các quán nước tiếp tục nép giữa các toà nhà cao tầng, những khu mua sắm hiện đại, và nép sau những con phố sầm uất mới lên đời. Ừ thì bàn ghế, mọi thứ giờ đã thay bằng nhựa. Nhưng các quán nước vẫn là nơi gặp gỡ. Người ta vẫn tới đây để ngồi chơi, kết bạn, kết bè.

Một cốc nước trà vẫn là thứ nước giải khát rẻ dành cho đại chúng, truyền tới bàn tay thô ráp của một người công nhân cũng cùng sự vồn vã dành cho lúc trao qua bàn tay không vết chai của một viên công chức, hay những ngón tay trẻ măng của một em học sinh, tất cả đều -rất có thể – ngồi trong một quán. Người lạ thành quen. Tất cả bình đẳng trên những chiếc ghế thấp bằng nhựa giống nhau, hỏi han, trêu ghẹo người lạ đôi ba câu khi chờ trà hay khi rít thuốc lào từ cùng một ống điếu.

Từ quán nước ảnh này tới quán nước ảnh kia, sự sắp xếp không bao giờ lặp lại. “Chất liệu” hầu như y nhau. Nhưng, mỗi chỗ lại là dấu ấn thẩm mỹ riêng của người chủ. Sự chiếm dụng không gian công cộng bắt đầu bằng hành động đặt xuống vài ba chiếc ghế, chiếc bàn, và kết thúc bằng cuộc “xâm lược” của một phong cách rất cá nhân của cô/ anh/ bà hàng nước.

Anh thanh niên hút thuốc lào. Cô hàng nước nhìn xa xăm mơ mộng, tay gấp tay để trên đùi. Anh thanh niên ngồi trên viên gạch. Ai nấy đều ngồi khá gần người chụp ảnh, có người còn quay nhìn. Nhưng chẳng ai có vẻ quá bận tâm, chẳng ai phiền vì sự xâm phạm không gian của chiếc máy ảnh. Chả vấn đề gì to tát.

Bộ ảnh Trà đá  của Joseph Gobin  được chụp bằng phim âm bản khổ trung đã quá hạn. Phim được cố ý tráng bằng quá trình hoá học sai chuẩn có chủ đích. Từ đó, người xem không có các chi tiết thực tế rõ ràng để làm cơ sở đưa ra nhận định. Ta chỉ có cảm nhận và suy nghĩ của mình để dựa và mà diễn dịch những gì mắt ta nhìn thấy. Theo lời người chụp ảnh, “việc thoái biến phim là với chủ đích bỏ các chi tiết không gian và thời gian khỏi ảnh.”

Joseph Gobin là một nhiếp ảnh gia trẻ người Pháp đầy triển vọng. Sau 4 năm theo đuổi ngành nhiếp ảnh tại trường đào tạo SEPR tại Lyon, anh trở thành nhiếp ảnh gia tự do, làm việc cho các tờ báo địa phương và doanh nghiệp tại Pháp. Năm 2012, Joseph được lựa chọn tham gia chương trình Monde Académie do báo  Le Monde tổ chức để thực hành nhiếp ảnh phóng sự trong vòng 1 năm tại đây. Một năm sau đó, anh được Le Monde trao tặng giải thưởng EDF/Le Monde cho những phóng sự ảnh xuất sắc của mình. Xuyên suốt các dự án và tác phẩm nhiếp ảnh của Joseph Gobin, có thể thấy nhiếp ảnh đối với anh là một quá trình tìm kiếm không ngừng nghỉ sự cân bằng, viên dung giữa yếu tố thẩm mỹ, thực tế đời sống và trí tưởng tượng.

 Mai Huyền Chi/MASK

 ảnh:Joseph Gobin