Quận Tây Hồ cần tăng cường đối thoại với nhân dân

Kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ, ngày 9/5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Quận Tây Hồ là địa bàn có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, với nhiều dự án trọng điểm của Trung ương và Thành phố đã và đang triển khai. Từ quận đến các phường đều xác định việc xây dựng và thực hiện tốt QCDC trong các loại hình mới, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng có vai trò quan trọng, là một trong những khâu đầu tiên để triển khai các dự án hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng…
Quận Tây Hồ cần tăng cường đối thoại với nhân dân
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lương Toàn)

Theo báo cáo của lãnh đạo quận Tây Hồ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quận ủy đã ban hành 6 chương trình công tác toàn khóa, đồng thời ban hành 50 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng và công tác xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở.

Đáng chú ý, Quận ủy Tây Hồ đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng. Từ năm 2022 đến hết quý I/2023, Tổ tuyên truyền giải phóng mặt bằng quận đã phối hợp với các phường tổ chức 52 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân trong diện giải phóng mặt bằng một số dự án, như cải tạo môi trường mương thoát nước Thụy Khuê; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu; dự án Khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 3…

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng chú trọng công khai, minh bạch trong công tác giải phóng mặt bằng. Tính chung từ tháng 1/2022 đến hết quý I/2023, toàn quận đã tổ chức 41 buổi công khai tới toàn bộ người dân có đất bị thu hồi về các văn bản pháp lý liên quan đến việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 41 dự án; tổ chức 150 buổi công khai các dự thảo phương án.

Ngoài các hình thức công khai trực tiếp, quận còn phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) phường tổ chức tống đạt các văn bản có liên quan đến từng hộ dân như: Quyết định phê duyệt phương án; Quyết định thu hồi đất; phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư; thông báo nhận tiền và bàn giao mặt bằng…

Quận Tây Hồ cần tăng cường đối thoại với nhân dân
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại buổi kiểm tra. (Ảnh: Lương Toàn)

Nhờ thực hiện tốt QCDC trong giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng nên trong nhiều năm qua, quận Tây Hồ đã hoàn thành khối lượng lớn công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt không có những bức xúc lớn tạo “điểm nóng”.

Từ đầu năm 2022 đến hết quý I/2023, toàn quận đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với 41 dự án; 100% công trình được thiết lập hồ sơ trật tự xây dựng để quản lý và tỷ lệ công trình xây dựng có phép trên địa bàn ngày càng tăng (đạt 99,71%).

Sau khi nghe các ý kiến, trao đổi tại buổi kiểm tra, phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao sự nghiêm túc, chủ động của quận Tây Hồ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành văn bản triển khai QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng. Đặc biệt, nhận thức từ quận đến các phường đã có chuyển biến rõ nét, coi xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là mục tiêu, động lực, là nền tảng để tạo đồng thuận xã hội.

Quận Tây Hồ cần tăng cường đối thoại với nhân dân
Quang cảnh buổi kiểm tra. (Ảnh: Lương Toàn)

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Tây Hồ (ban hành từ năm 2014), nên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội quận Tây Hồ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, coi đây là động lực, mục tiêu, là nền tảng để tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng và phát triển quận.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, quận Tây Hồ cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ quận tới cơ sở thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Hoàng Phúc
https://laodongthudo.vn/quan-tay-ho-can-tang-cuong-doi-thoai-voi-nhan-dan-155651.html