Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh

Người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám, chữa bệnh. Do vậy, về nguyên tắc, pháp luật về khám, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.

Đây là kiến nghị của đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 13/6.

Phải vì lợi ích tối đa của người bệnh

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu dẫn ví dụ có người bệnh đi khám bệnh tại bệnh viện ở Hà Nội phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng được kê trong đơn thuốc, trong khi chỉ phải chi 400 nghìn đồng cho thuốc điều trị. Đại biểu cho rằng, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh.

Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An).

Trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân phải chi trả rất nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết; không được giải thích rõ ràng về kết quả khám, chữa bệnh, thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong khám, chữa bệnh. Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng nêu trên, theo đại biểu, là do chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám, chữa bệnh.

Trong mối quan hệ này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám, chữa bệnh. Do vậy, về nguyên tắc, pháp luật về khám, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh dưới 3 góc độ. Một là, trách nhiệm trong việc khám, chữa bệnh; Hai là, trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh; Ba là, trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Theo đó, dự thảo Luật phải quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm; những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh; giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như hiện nay là tư vấn, cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khoẻ của người bệnh…

Phát huy vai trò giám sát, đánh giá toàn diện từ nhiều phía

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hoá) cho biết, thực tiễn vẫn còn xảy ra những trường hợp các cơ sở y tế, người hành nghề khám, chữa bệnh lạm dụng các chỉ định không phù hợp, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc, hành nghề theo kiểu “vẽ bậy”, khám, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh.

Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh
Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hoá)

“Dự thảo luật phải xây dựng được một cơ chế đồng bộ để bảo đảm giám sát, đánh giá có hiệu quả về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế và của người hành nghề khám, chữa bệnh. Theo tôi, cơ chế đó phải đảm bảo phát huy vai trò giám sát, đánh giá toàn diện từ nhiều phía”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nói.

Để bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá được đầy đủ, toàn diện hơn, đại biểu đề nghị bổ sung quy định để bảo đảm yêu cầu sau: Thứ nhất là quyền của người bệnh trong việc phản ánh những bất cập, hạn chế trong hoạt động khám, chữa bệnh, nơi tiếp nhận phản ánh và cơ chế xử lý.

Thứ hai, trách nhiệm của cơ sở y tế trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ và trách nhiệm giải quyết phản ánh của người bệnh.

Thứ ba, về mối quan hệ giữa Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa quốc gia, các hội chuyên môn và tổ chức đánh giá độc lập trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, việc sử dụng kết quả đánh giá của các bên và cơ chế xem xét lại kết quả đánh giá.

“Luật pháp về y tế bị khủng hoảng”

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho hay, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ.

Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội)

Vì vây, đại biểu Nguyễn Anh Trí kêu gọi “Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn cả là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế”.

Cụ thể, trước mắt cần triển khai cho được những nội dung của Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, để khám bệnh, chữa bệnh và cũng để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.

Đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý bao gồm Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống dịch và cả những luật khác có liên quan như về giá, Luật Đấu thầu, mua sắm, Luật Tài sản công, kể cả những nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa đang được áp dụng khá thành công trong việc tư vấn, hội chẩn, đào tạo… nhưng trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 quy định về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, nhưng rất ít ỏi và nửa vời.

Nếu không bổ sung đầy đủ các quy định này, theo đại biểu, sẽ dẫn đến hoạt động khám, chữa bệnh từ xa không phát triển được ở Việt Nam, người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ không có cơ hội được khám, chữa bệnh với những người thầy thuốc giỏi, sẽ không tiếp cận được những dịch vụ y tế hiện đại, hiện tượng xếp hàng chờ đợi quá tải ở các bệnh viện lớn khó mà giảm bớt, khám, chữa bệnh Việt Nam khó hội nhập được với quốc tế, y tế Việt Nam bị đẩy lùi hàng chục năm.

Bổ sung các cơ chế kiểm soát

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề cập đến nhiều vấn đề nảy sinh trong việc triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết, hợp tác đặt máy móc, thiết bị trong khám chữa bệnh.

Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn)

Theo đại biểu, đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Thực tiễn đã chứng minh sau một thời gian triển khai chính sách này đã đi vào cuộc sống và mang đến nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Vấn đề được nhiều cử tri phản ánh đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế.

Qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, đại biểu cho biết việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.

“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do lĩnh vực này hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước”, đại biểu nói.

Do đó, đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

 

Phương Thảo