Sợi dây kết nối làng cũ – đô thị mới

Những khu đô thị mới, khu dân cư mới mọc lên ngay cạnh những ngôi làng cổ, làng cũ là hình ảnh đặc trưng cho một Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nhưng trạng thái cũ – mới ấy tạo ra không ít độ “vênh”, cả về hạ tầng lẫn văn hóa. Chúng ta cần làm gì đó để có sự gắn kết giữa hai phía?

 

Những đô thị hiện đại, nhà chọc trời, biệt thự… mọc lên bên nếp làng xưa. Ảnh: Minh Khai

Quận Nam Từ Liêm vốn là vùng đất có lịch sử lâu đời. Trong “tứ danh hương” Mỗ, La, Canh, Cót thì Nam Từ Liêm chiếm một nửa. Mỗ là Đại Mỗ, Tây Mỗ. Canh là vùng đất Xuân Phương. Chưa kể, Mễ Trì, đi liền với câu ca “Lắm quan Kẻ Mọc, lắm thóc Mễ Trì”.

Nhưng hơn hai chục năm nay, Nam Từ Liêm cũng là vùng đất đô thị hóa mạnh nhất. Những khu đô thị hiện đại, những biệt thự, nhà chọc trời mọc lên bên nếp làng xưa. Bản thân những ngôi làng cổ cũng “vận động” cùng tiến trình đô thị hóa. Những ngôi nhà mới mọc lên. Nhiều cửa hàng dịch vụ mới ra đời. Nhiều nhất là cắt tóc, trang điểm, tạp hóa, cà phê, nhà hàng… Những khu đô thị, khu chung cư mới kề bên làng cổ có thể gặp bất cứ nơi đâu.

Khoảng 20 năm trở lại đây, đó là câu chuyện phổ biến ở các quận mới như Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm… Bây giờ, bối cảnh ấy đã lan sang Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì – những huyện sắp lên quận. Và chúng đều sở hữu nhiều câu chuyện chung.

Những khu dân cư mới thường được xây cất khang trang hơn. Có những khu đô thị “quây” làng cổ. Làng cổ lúp xúp lọt thỏm trong rừng cao ốc. Tất nhiên, cốt nền cao hơn. Làng cổ trở thành cái “túi” đựng nước. Khi khu đô thị Việt Hưng, rồi khu Vinhomes Riverside Long Biên được xây dựng cũng là lúc dân ở làng cổ Lệ Mật cạnh đó “méo mặt” mỗi khi mưa lớn. Có đận, nước đọng mấy ngày không rút. Trước đây, chuyện mưa – ngập vốn là “của hiếm”, bây giờ là chuyện bình thường.

Đô thị mới kéo theo một lớp người mới. Người trong nội đô ra cũng có. Nhưng số người ngoại tỉnh về thường đông hơn. Phần nhiều là những cặp vợ chồng trẻ. Người làng, dù đã lên phố, nhưng cách cư xử vẫn ít nhiều giữ “nếp làng”. “Đất lề, quê thói” mà. Những cặp vợ chồng trẻ ở khu đô thị đại diện cho một lối sống mới, ít nhiều Tây hóa. Thành ra khác biệt về cung cách sống. Bên mới, đôi khi cho bên cũ là “cổ hủ”, cho dù họ cũng xuất thân từ làng quê. Cư dân trẻ chi tiêu mạnh tay hơn, cho dù không phải ai cũng giàu. Cư dân trẻ, nên trình độ học vấn cũng cao hơn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những va chạm về văn hóa.

Sống cạnh nhau, cư dân đôi bên không thể tránh tương tác. Đầu tiên là việc đi chợ. Cư dân khu đô thị, khu chung cư mới phần đông phải đến những chợ dân sinh của làng cũ. Ở nhiều nơi, giá cả chợ búa, dịch vụ tăng lên đáng kể khi có thêm khách hàng. Ít nhiều, cuộc sống ở những ngôi làng cổ bị đảo lộn. Người ta tương tác với nhau trong sự thận trọng.

Cuộc sống ở khu chung cư, khu đô thị mới khá điển hình cho lối sống đô thị. Người ta không bị ràng buộc bởi “lệ làng”. Tự do cá nhân được tôn trọng hơn. Sự tương tác giữa các hộ gia đình với hàng xóm, ngay cả khi chung tầng chung cư, cũng ít hơn so với mối quan hệ hàng xóm ở làng xã. Hạn chế trong tương tác giữa hai cộng đồng dân cư là điều dễ hiểu. Nhưng cuộc sống không bao giờ chỉ là những cơn gió một chiều. Luôn có những nhân tố “kéo” người dân ở hai vùng cũ – mới gần nhau hơn.

Người Việt mình từ khi sinh ra, không mấy ai không có quan niệm “đất nào thần linh ấy”. Sống ở đâu, cũng phải thờ thần, thờ Phật. Các khu đô thị mới, chung cư mới, đâu có nơi nào xây dựng đình, đền mới? Người ta tìm đến những ngôi đình, ngôi chùa gần nhất. Lễ hội, ngày rằm, mồng một ở đình làng, chùa làng có những “vị khách” mới. Những vị khách này đặc biệt, bởi không thuộc về cộng đồng đó, nhưng không giống khách du lịch vãng lai, người ta chọn những ngôi đình, ngôi chùa này là nơi gửi gắm tâm linh. Trước ban thờ Phật, thờ thánh nhất là vào ngày hội làng, ngày lễ của nhà Phật, người cũ – người mới như được xóa mờ khoảng cách. Làng cũ và khu đô thị mới thường vẫn chung một phường. Trẻ con học chung trường, chung lớp, tạo nên một sự tương tác khác giữa những con người xa lạ. Còn nữa, là những ngày lễ kỷ niệm, những hoạt động cộng đồng khác của các khu dân cư, hay liên khu dân cư. Nhất là các dịp như Tết thiếu nhi hay Rằm tháng Tám – dịp người ta quên đi cái tôi của người lớn để đem lại niềm vui cho con trẻ…

Đô thị mới bên những ngôi làng cổ, làng cũ là một chu trình vẫn đang tiếp diễn. Cái cũ và cái mới luôn có độ “vênh”. Sự tương tác giữa hai cộng đồng đang diễn ra một cách tự nhiên, thiếu sự chủ động “chăm chút” của bất cứ bên nào. Nhưng khi nói đến xây dựng văn hóa, ta không thể để mọi thứ diễn ra theo chiều hướng “tự nhiên chủ nghĩa”. Cần có sự tác động để giảm sự khác biệt, tăng tính kết nối giữa hai cộng đồng. Những gợi ý từ cuộc sống luôn sẵn có. Bây giờ, việc của chúng ta là nhân lên, để tạo sợi dây kết nối hai cộng đồng.

Giang Nam

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/826864/soi-day-ket-noi-lang-cu—do-thi-moi