Hệ thống loa phường, xã là một trong những kênh thông tin- truyền thông hiệu quả; đặc biệt khi xảy ra thiên tai, địch họa như đại dịch Covid-19. |
Nhớ lại hồi đầu tháng 1/2020 lúc dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, khi đó các phương tiện thông tin đại chúng bắt đầu vào cuộc tuyên truyền, nhưng đứa con gái tôi, các bạn hàng xóm của con và ngay cả những người “thích nhậu” vẫn chẳng mấy quan tâm. Các con vào mạng chủ yếu lướt Facebook, Youtube… kiến thức về phòng, chống dịch chưa nhiều. Thế rồi định kỳ mỗi ngày loa phường phát đều đặn về những tác hại của đại dịch, cách phòng chống. Khi đó, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi khi loa phường phát lên âm thanh của nó như thôi thúc ta ra mặt trận. Chính cũng nhờ loa phường mà con tôi và các bạn hàng xóm thuộc làu làu bài hát Ghen Cô Vy nói về cách phòng, chống dịch. Còn mấy bác hàng xóm, vốn thích bia hơn thích xem vô tuyến, đọc báo (những thời điểm chưa cấm các quán hàng) khi nói về virus cũng tặc lưỡi “ôi giờ nó khác gì cúm thông thường”. Thế là chiều nào cũng nhậu. Nhưng khi nghe loa phường phát đi phát lại sự nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng chống, chỉ một tuần sau đa số các bác đã cảm nhận được sự nguy nguy hiểm và bắt đầu tự phòng, chống cho bản thân và gia đình.
Đây chỉ là ví dụ nhỏ về sự hữu dụng của loa phường. Có thể ngày hôm nay chúng ta đang sống trong thời buổi lên ngôi của công nghệ và dòng chảy thông tin ngập tràn trên không gian mạng, nhưng cũng bình tâm hoặc thật lòng với chính mình đa số những người dùng điện thoại thông minh lên mạng để tìm kiếm những gì. Thậm chí, ngày nghỉ hay tối đoàn viên, chúng ta không khó gặp hình ảnh gia đình mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh để lướt mạng.
Tất nhiên, không ai phủ nhận tính đa dạng trong cách tiếp nhận thông tin trên không gian mạng của thời công nghệ thông tin, công nghệ số, nhưng khi nói “thông tin” ở góc độ “binh chủng thông tin tuyên truyền” thì hệ thống loa phường vẫn là một lực lượng nòng cốt, chứ không phải đã “làm tròn sứ mệnh lịch sử” của thời quá khứ như một số người từng đề cập. Rõ ràng, tính hiệu quả trong thông tin, truyền thông của hệ thống loa phường đã được kiểm chứng trong quá khứ và những thời khắc đặc biệt của hiện tại
Nhằm đa dạng nguồn thông tin – truyền thông với mục tiêu phát huy hiệu quả công tác thông tin cơ sở trên nền tảng số, ngày 20/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp đó, ngày 7/9/, Bộ Thông tin – Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT về việc ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Căn cứ vào 02 Quyết định quan trọng trên, vừa qua UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Thành phố. Kế hoạch nêu rõ, thành phố sẽ phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối, thống nhất từ Trung ương đến Thành phố, cấp huyện, cấp xã. Phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân. Phấn đấu đến năm 2023 sẽ có hệ thống thông tin nguồn thành phố để cung cấp thông tin thiết yếu cho cơ sở, và đến năm 2025 sẽ có 100% sở, ngành thuộc thành phố và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên hệ thống thông tin nguồn Thành phố.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Bên cạnh đó, thành phố còn đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
Để phù hợp với xu thế số hóa, từ Chính phủ đến cấp tỉnh, thành trên phạm vi cả nước đang triển khai hàng loạt vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Và sự phát triển của hệ thống thông tin cấp cơ sở phường, xã của Thủ đô cũng nhằm thực hiện mục tiêu chính quyền số, xã hội số.
Chắc chắn hệ thống loa phường, xã phát triển trên nền tảng số, hiện đại, văn minh để bắt kịp với đỉnh cao của công nghệ chứ không đơn thuần là hệ thống loa truyền thanh tương đối lạc hậu như hiện tại.
Khi nghe thông tin về “loa phường”, bác hàng xóm nhà tôi, từng là cán bộ cao cấp về hưu nói: Duy trì và phát triển hệ thống loa truyền thanh xã, phường theo xu thế hiện đại, số hóa là một hướng đi đúng. Vì đây là một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả. Còn cái gọi là “tra tấn” hay “đánh thức” giấc ngủ gì đó, chắc chắn chính quyền họ không làm như vậy. Sẽ có những tiêu chuẩn nhất định, một phường thì cần bao nhiêu loa, tùy theo phường lớn hay nhỏ, tính theo dân số, diện tích hành chính mà ra. Rồi vị trí đặt loa phường cũng phải tính toán kỹ để làm sao lan truyền thông tin tốt nhất mà hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Lẽ dĩ nhiên, việc vận hành hệ thống loa phường phát nội dung như thế nào, phát khi nào cũng sẽ là yếu tố quan trọng. Xin nhắc lại, qua đợt dịch bệnh vừa qua có lẽ không ít người đã cảm nhận được giá trị của những chiếc loa phường. Tức là vào những thời điểm đặc biệt, khi có các vấn đề khẩn cấp liên quan đến thiên tai, địch họa (như thời kỳ những năm 60-70 của thế kỷ trước) hay những sự kiện trọng đại của đất nước, Thủ đô… hẳn là vai trò của những chiếc loa phường đã được thừa nhận. Còn bình thường, hệ thống loa phường phát định kỳ trong tuần để thông báo về những tin tức diễn ra trên địa bàn xã, phường để người dân biết. Xét cho cùng, việc loại bỏ hay duy trì hệ thống loa truyền thanh cũng không ngoài mục tiêu là làm sao cho công tác tuyên truyền xã hội, thông tin đại chúng được tốt hơn, hiệu quả hơn, văn minh hơn, phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn…