Thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm, số người lao động có việc làm, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng lên,…những điều đó cho thấy thị trường lao động đang tiếp tục đà phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, cùng với sự tăng trưởng kinh tế và tình hình đăng ký doanh nghiệp sôi động trở lại trong quý II/2022, thị trường lao động, việc làm tiếp tục duy trì đà phục hồi đáng kể. Lực lượng lao động, số người đang làm việc, và thu nhập bình quân tháng đều có nhiều chuyển biến tích cực, tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê nhận định, điều này xuất phát từ sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.

Thị trường lao động tiếp tục  duy trì đà phục hồi
Kinh tế phục hồi giúp thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 vẫn chỉ đạt 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, 6 tháng đầu năm nay có 1.073 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước); 19,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 6,3%); 55,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ (tăng 16,8%).

Thu nhập bình quân tăng

Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn có những tác động tiêu cực đến thị trường lao động, sẽ còn tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới, cơ quan này đề xuất chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tổ chức kết nối cung – cầu lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…

Lao động trong các ngành kinh tế cũng có sự dịch chuyển tỷ lệ thuận với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới phân theo khu vực kinh tế. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước). Còn khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (tăng 2,7%) khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (tăng 0,04%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II/2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 178 nghìn đồng so với quý trước và tăng 707 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,9 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2022 là 56,2%; quý II/2022 ước tính là 55,6%, trong đó khu vực thành thị là 47,5%; khu vực nông thôn là 62,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 55,9%, trong đó khu vực thành thị là 47,8%; khu vực nông thôn là 62,6% (6 tháng năm 2021 tương ứng là 57,2%; 48,5%; 64,5%).

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1,7 nghìn tỷ đồng, trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,4 nghìn tỷ đồng. Hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 4,3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 28,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước./.

Tú Anh