Thường Tín cán đích huyện nông thôn mới

Sáng 26/4, huyện Thường Tín tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín, mặc dù xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng sau gần 10 năm, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành phố, sự vào cuộc chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Thường Tín, đến nay, 28/28 xã đều hoàn thành xây dựng nông thôn mới; huyện cũng đã cán đích huyện nông thôn mới.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng huyện Thường Tín
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng huyện Thường Tín

Ông Huy cho biết, trong gần 10 năm qua, huyện Thường Tín đã huy động và bố trí hơn 4.498 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội tại các xã, thị trấn, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 12,5% chỉ còn 0,39%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đạt 55,1 triệu đồng/người/năm, tăng 4,1 lần so với năm 2010.

Trên địa bàn huyện đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có 1.745 ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 545 ha vùng sản xuất rau an toàn; 130 ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77 ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của 17 tổ chức, cá nhân; 14 chuỗi liên kết, trong đó 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 5 chuỗi liên kết giết mổ cho thu nhập từ khoảng 145 triệu đồng/ha (gấp 3,33 lần so với năm 2010).

Riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn huyện Thường Tín đã hình thành 552 ha vùng chuyên canh tập trung trên tổng số 1.017 ha của toàn huyện. Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 165 triệu đồng/ha. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được huyện Thường Tín quan tâm thực hiện. Đến năm 2020, toàn huyện có 103 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm khu trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm khu trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín, đồng thời, cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự đóng góp, chung sức của các tập thể, cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, huyện Thường Tín không được hài lòng, thỏa mãn, mà phải có khát vọng phát triển, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí xây dựng và phát triển đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Thường Tín quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, 10 Chương trình công tác của Thành ủy, nhất là Chương trình công tác số 04 của Thành ủy để tiếp tục duy trì và phát huy các thành quả trong công tác xây dựng nông thôn mới 10 năm qua; khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; để người dân thực sự là chủ thể thực hiện và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Thường Tín cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch. Trong đó, lưu ý rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã gắn với các tiêu chí của đô thị. Huyện cần quyết liệt đẩy nhanh đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, nhất là đường 1A cũ, hệ thống đường gom tại các khu, cụm công nghiệp để tạo ra cực tăng trưởng mới, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Quyết định công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Quyết định công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Bà Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, huyện Thường Tín cần chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chuỗi giá trị gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; khai thác hiệu quả các quỹ đất, nhất là quỹ đất ngoài bãi sông để đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả; quan tâm phát triển các làng nghề của địa phương gắn với du lịch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện OCOP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện Thường Tín tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm huyết, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để đáp ứng quá trình xây dựng và phát triển huyện trong giai đoạn mới. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, không được lơ là, chủ quan; tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trao Quyết định công nhận huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trao Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận 4 xã của huyện Thường Tín (Hà Hồi, Nhị Khê, Văn Bình, Vạn Điểm) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hoàng Phúc/laodongthudo.vn