Băn khoăn từ những ứng xử thiếu chuẩn mực
Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Bùi Thanh Trầm nhấn mạnh: “Hoạt động nghệ thuật mang tính đặc thù, gắn liền với quá trình sáng tạo và phong cách riêng của người nghệ sĩ. Vì thế dấu ấn cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, một số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ – công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ quan lấn át, chi phối. Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua đang làm “ô nhiễm” môi trường, không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng, làm dấy lên những lo ngại về ứng xử của nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu.
Minh chứng cho thực tế này, các ý kiến tham luận tại hội thảo đã xới xáo nhiều vấn đề xoay quanh ứng xử của nghệ sĩ như: phát ngôn gây sốc, thiếu chuẩn mực; quảng cáo cho hàng hóa chưa được kiểm định; không giữ gìn hình ảnh, lối sống, sinh hoạt kệch cỡm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam…
Nhà văn Nguyễn Hiếu ngậm ngùi: “Đáng buồn là trong thời gian gần đây không ít các nhãn hàng, các doanh nghiệp và cả chính những nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, sự nổi danh của mình để thương mại, kiếm tiền. Cụ thể là quảng cáo. Nhiều nghệ sĩ vì đồng tiền bán rẻ nhân cách để sẵn sàng kí các hợp đồng quảng cáo các mặt hàng chưa kiểm nghiệm nhất là thuốc chữa bệnh”.
“Gây bức xúc dư luận nhất, có lẽ phải kể đến lùm xùm của việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn tới công chúng. Người hâm mộ gửi tiền ủng hộ, phần vì thương cảm với đồng bào đang gặp khó khăn, phần vì tin vào thần tượng của mình. Tuy nhiên sự giả dối, thiếu minh bạch, thiếu nhân đạo của những nghệ sĩ kêu gọi tài trợ, trong phút chốc đã làm đổ vỡ niềm tin của người hâm mộ; uy tín, hình ảnh của người nghệ sĩ cũng bị méo mó nhanh chóng và rất khó tạo lại được niềm tin, hình ảnh tốt đẹp như cũ” – tác giả Nguyễn Minh Nguyệt trăn trở.
Đi sâu về vấn đề ngôn từ của nghệ sĩ, nhiều ý kiến cũng bàn tới sự lộng ngôn, ngoa ngôn, hoạt ngôn, xảo ngôn, loạn ngôn của nghệ sĩ.
Lý giải cho nguyên nhân dẫn đến thực trạng này NSƯT Trịnh Quang Khanh cho rằng đó là do tầm hiểu biết của nghệ sĩ. “Trong biểu diễn lại có không ít những danh xưng “ông hoàng” nọ, “nữ hoàng” đã làm mờ mắt một số nghệ sĩ sinh ra thiếu khiêm nhường trong ứng xử với công chúng! Thêm nữa cũng là do sự tắc trách của các cơ quan quản lý Nhà nước” – NSƯT Trịnh Quang Khanh trăn trở.
Đề cập cụ thể hơn về vấn đề nghệ sĩ và trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, nhà báo, nhà lý luận phê bình sân khấu Cao Ngọc cho rằng ở Việt Nam quy định hay chế tài xử phạt cho những sai phạm trong việc quảng cáo vẫn chưa đủ nghiêm và mạnh. Hàng loạt các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng đã bị công chúng lên tiếng, truyền thông vào cuộc và chỉ đến khi đó, một số nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi hoặc âm thầm chờ… thời gian trôi, sự việc đi vào quên lãng.
Tạo dựng hình ảnh đẹp của nghệ sĩ trong mắt công chúng
Nghệ sĩ là những “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Cũng bởi thế để tạo dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trau dồi và hoàn thiện bản thân; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết. Đó là những giải pháp đã được nhiều đại biểu đề xuất trong hội thảo.
NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ; Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra”.
Tác giả Lệ Dung đề xuất cần có một bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông và mạng xã hội để nhắc nhở nghệ sĩ luôn có trách nhiệm, giữ uy tín, chuẩn mực, trung thực trong phát ngôn có văn hóa trên không gian mạng xã hội. Hệ thống quy tắc được xem như lời cam kết trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ.
Theo nhà báo Thúy Hiền (Báo Văn hóa), nghệ sĩ phải tạo “barie” cho chính mình, bên cạnh đó sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng cũng sẽ là những “barie” để nghệ sĩ tự soi mình, để cẩn trọng hơn không chỉ trong việc phát ngôn, ứng xử mà còn khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp, xã hội.
Trong bối cảnh mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội để nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, tạo sức ảnh hưởng với những người hâm mộ. “Nghệ sĩ có một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm. Mỗi nghệ sĩ phải biết cân bằng giữa cảm xúc và bản lĩnh thì mới chịu được áp lực và làm tròn trách nhiệm của mình” – NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định.
Thụy Phương
Hội thảo “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” (nguoihanoi.com.vn)