Tôn vinh vẻ đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống

Chiều ngày 18/3/2024, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” tại 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian độc đáo của miền Bắc, mang đậm dấu ấn văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa, là vốn di sản quý báu của dân tộc ta.

z5261800710688_e74193d9211a86740b27f6f5d1559052.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhận định: “Với người Hà Nội xưa, món ăn tinh thần không thể thiếu, thú chơi tao nhã không thể không nhắc tới đó là tranh dân gian Hàng Trống. Tranh truyện dân gian Hàng Trống thể hiện sinh động, tinh tế, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình độc đáo của dân tộc. Trước nguy cơ thất truyền mai một của các dòng tranh dân gian, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hi vọng triển lãm này sẽ là cơ hội tuyệt vời để công chúng kết nối, chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những giá trị của dòng tranh Hàng Trống truyền thống”.

z5261800710332_e2123a156bc77fc3e86013cd37890d01.jpg
Triển lãm thu hút nhiều công chúng.

Trong không gian của triển lãm, công chúng được thưởng thức 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Đây là bộ sưu tập mà theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, chúng được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. Điểm đặc biệt của những bức tranh chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu. Chúng là kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá độc đáo của người xưa.

Tại sự kiện họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ nằm trong bộ sưu tập tranh được giới thiệu trong triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.

z5261647289931_bb1f6fe68f6683aec8ad28d2d4b3b0a1.jpg
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm.

Về lý do trao tặng tác phẩm quý này cho Bảo tàng, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê chia sẻ: Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc Nữ nhi – Anh kiệt chuyển tải được tinh thần của truyện và ý tưởng của tác giả; ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhằm đề cao giáo dục về những về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng.

Là người trực tiếp chứng kiến quá trình gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha mình, chị Ánh – con gái nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê xúc động chia sẻ về niềm đam mê, lý tưởng của ông cũng như cách ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để duy trì, bảo vệ lẽ sống của bản thân.

“Gia đình tôi từng di chuyển chỗ ở nhiều nơi và lần nào cũng vậy, điều mà bố tôi luôn ưu tiên, lưu tâm trước nhất đó là những bức tranh mà ông sưu tập. Đó là lý do mà bộ sưu tập của ông có mặt tại bảo tàng hôm nay. Gia đình chúng tôi luôn trân trọng và ủng hộ lựa chọn ông”, chị Ánh bộc bạch.

z5261647207706_0f1aac5c17b34cf87bce57a31530d187.jpg
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Đến dự lễ khai mạc triển lãm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ niềm vui khi triển lãm có sự góp mặt của nhiều gương mặt trẻ. “Điều này làm cho chúng ta hi vọng về một tương của dòng tranh dân gian truyền thống, sẽ không đứt gãy mà sẽ được thế hệ trẻ tiếp nối quan tâm, giữ gìn và phát huy…”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh./.

Hương Giang

Tôn vinh vẻ đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống (nguoihanoi.vn)