Tổng Công ty Vận tải Hà Nội: Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã

Từ trước đến nay, thành phố Hà Nội luôn xác định, phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong những thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị của Thủ đô, lớn mạnh cùng sự phát triển của Hà Nội.

Nỗ lực phủ rộng mạng lưới xe buýt Thủ đô

Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn từ nay đến năm 2030, chỉ tiêu cho xe buýt toàn Thành phố đến năm 2025 đạt 16 – 18%, đến năm 2030 đạt 25%.

Như vậy, mạng lưới xe buýt Thủ đô trong giai đoạn tới cần tiếp tục mở rộng vùng phục vụ, gia tăng thêm nhiều luồng tuyến mới, trong đó chú trọng đến những địa bàn cấp xã có nhu cầu đi lại lớn và đủ điều kiện đáp ứng cho vận tải hành khách công cộng hoạt động.

Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã
Thời gian qua, mạng lưới xe buýt của Hà Nội ngày càng hoàn thiện, tính kết nối được mở rộng, chất lượng phương tiện và chất lượng phục vụ được nâng cao.

Là đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong lĩnh vực phát triển vận tải hành khách công cộng của Thành phố, trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm mở thêm nhiều tuyến buýt mới, nhánh tuyến, tăng cường kết nối mạng lưới giữa các khu đô thị và khu vực dân cư, nâng cao hiệu quả khai thác phục vụ nhân dân trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng, đảm bảo được các mục tiêu và yêu cầu của Thành phố đã đề ra.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai các đề án theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 là không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) nào của Hà Nội “trắng” về xe buýt. Về cơ bản đến nay mục tiêu đã hoàn thành.

Giai đoạn 2 Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hướng tới là không có trung tâm, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã “trắng” về xe buýt. Và cuối cùng, giai đoạn 3 là đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2019, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã mở mới 33 tuyến buýt, mở rộng thêm 15 nhánh trên các tuyến hiện có, trong đó có một số tuyến buýt gom kết nối các khu đô thị với mạng lưới xe buýt chung của Thành phố, kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, trong đó có tuyến buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, tuyến buýt du lịch 2 tầng Hanoi Citytour thoáng nóc đầu tiên của Hà Nội, còn lại hầu hết là các tuyến buýt mở rộng vùng phục vụ đến các huyện phía Tây, Tây Nam thành phố như: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức…

Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã
Xe buýt được phủ rộng khắp các huyện ngoại thành góp phần đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Qua đánh giá, các tuyến mở mới trong giai đoạn này hoạt động an toàn, ổn định, sản lượng hành khách tăng dần theo thời gian, như tuyến 103.Mỹ Đình – Hương Sơn (Mỹ Đức), tuyến 108. Bến xe Thường Tín – Minh Tân (Phú Xuyên) được đông đảo người dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ.

Tính đến thời điểm tháng 9/2017, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu “xóa vùng trắng” xe buýt có trợ giá tại các huyện ngoại thành của thành phố. Đây là giai đoạn mạng lưới xe buýt của Thủ đô được phát triển mạnh mẽ nhất từ trước cho đến nay.

Trong giai đoạn 2020-2025, về luồng tuyến, Thành phố dự kiến mở mới 90 – 100 tuyến buýt, trong đó có 10 tuyến phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân. Nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đó, đặc biệt trong tình hình mới với sự tác động trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” – vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục giữ ổn định doanh nghiệp, giữ được vai trò chủ đạo trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Thành phố, phấn đấu số tuyến mở mới của Tổng Công ty trong cả giai đoạn chiếm tối thiểu 60% thị phần các tuyến mới mở của toàn mạng.

Những định hướng tương lai

Tính đến hết quý I năm 2021, mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn “5K” của Bộ Y tế khi dịch bệnh bùng phát trở lại, khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, chuẩn bị các điều kiện khác về nguồn vốn, đoàn phương tiện… nhưng Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã cố gắng để đưa vào vận hành thêm 7 tuyến buýt mới gồm các tuyến: 66, 67, 114, 115, 116, 117, 119.

Nỗ lực mở rộng vùng phục vụ, đưa xe buýt về các xã
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức sát khuẩn trên phương tiện vận tải hành khách công cộng, đảm bảo an toàn cho hành khách khi di chuyển bằng xe buýt.

Đây là các tuyến kết nối vùng phục vụ giữa các trục chính các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức, Ứng Hòa…

Với mục tiêu đưa xe buýt về với các xã, qua khảo sát của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, hầu hết các tuyến đường liên xã vào các huyện trong Thành phố hiện nay đều đang có mặt cắt đường hẹp. Điển hình như huyện Phú Xuyên, với vị trí, địa lý thuận lợi nên có nhiều điều kiện để xe buýt về gần với người dân hơn, đã có 60km trong gần 100km đường giao thông trên địa bàn huyện có xe buýt phục vụ có 8 tuyến xe buýt hoạt động với 636 lượt xe/ngày, 17/27 xã và thị trấn đã có xe buýt trợ giá phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 10 xã thuộc Phú Xuyên gồm: Quang Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Châu Can, Khai Thái, Nam Triều, Quang Lãng, Tri Trung, Văn Hoàng, Vân Từ hiện chưa có xe buýt phục vụ.

Được biết, trong thời gian tới, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, tính toán, sau đó sẽ báo cáo các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội các phương án phù hợp nhằm điều chỉnh, mở mới các tuyến buýt đến các xã chưa có xe buýt phục vụ bằng các phương tiện có kích cỡ nhỏ phù hợp, hoặc khi hệ thống đường xã ở các địa phương nơi đây đủ điều kiện vận hành xe buýt an toàn.

Giang Nam/ laodongthudo.vn