Về chùa Thầy ngắm hoa gạo nở rực nhuộm thắm một góc trời

Tháng 3 về, trước sân chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội hoa gạo lại nở rực nhuộm đỏ cả một góc trời khiến cho không khí nơi đây vốn linh thiêng lại thêm phần thơ mộng.

Hoa gạo còn có tên gọi khác là hoa mộc miên. Ảnh: vnexpress

Hoa gạo gắn liền với làng quê Bắc Bộ bởi gần như nơi nào cũng có một cây, thường ở đầu làng hoặc chơ vơ giữa đồng. Cứ mỗi độ tháng 3 về, chùa Thầy Hà Nội lại như khoác lên mình một vẻ đẹp vừa thanh tịnh lại vừa lãng mạn. Hoa gạo nở như ngầm báo hiệu những đợt rét cuối cùng của mùa đông sẽ qua và một mùa hè sắp đến.

“Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”

Cây gạo còn có tên gọi khác là mộc miên, hồng miên hay pơ lang. Đây là loài cây ở vùng nhiệt đới với thân cây cao và thẳng, lá rụng vào mùa đông. Hoa gạo màu đỏ với 5 cánh hoa mọc vào mùa xuân trước khi cây ra lá non. Quả nhỏ chứa các sợi tương tự như sợi bông.

Hoa gạo bắt đầu nở từ tháng 3. Ảnh: lh5

Thân cây có gai để ngăn cản sự tấn công của động vật nhưng gỗ của nó lại mềm. Loài cây này có lẽ có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng hiện nay nó được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam.

Hoa gạo ở Chùa Thầy, Hà Nội đang trong thời điểm nở rực. Ảnh: tuoitrethudo

Hoa gạo không chỉ là loài hoa đẹp mà còn có công dụng chữa bệnh rất tốt. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây hoa gạo được sử dụng làm thuốc như hoa gạo, vỏ cây, rễ.

Hoa gạo nở rực ở Chùa Thầy đẹp lãng mạn và thanh bình vô cùng. Ảnh: vnexpress

Tháng 3 về, những cây gạo trước sân của ngôi chùa Thầy cổ kính gần 1.000 tuổi lại rực nở như tô điểm thêm cho ngôi chùa này thêm phần tôn nghiêm mà ít nơi nào có được.

Toàn cảnh sân chùa, hồ nước, Thủy Đình và những cây hoa gạo nhìn từ trên núi Sài Sơn. Tương truyền, chùa được xây dựng trên thế đất hình rồng, quay mặt về hướng Nam. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn.

Nhành hoa gạo sà xuống trước thủy đình trên hồ. Đây là kiến trúc biểu tượng của chùa Thầy. Thủy Đình cổ kính, rêu phong, được ví là viên ngọc giữa miệng rồng. Vào những ngày lễ hội, nơi này trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước.

Khung cảnh thiên nhiên bình yên và thơ mộng. Ảnh: vnexpress

Trong mùa hoa gạo ở chùa Thầy, cây rụng hết lá, chỉ có những bông hoa đỏ rực trên cành, nổi bật trên nền xanh của núi. Cây gạo tại đây được cho là đặc biệt hơn bởi có cành hoa rủ xuống. Ngoài chùa Thầy, cây hoa gạo được trồng nhiều ở công viên, hè phố, làng quê và những công trình tâm linh như đền, chùa tại các địa phương khác gần Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang…
Nếu bạn đang muốn tìm một chốn bình yên để cho tâm hồn được thanh tịnh và an yên thì ghé thăm Quốc Oai ngắm hoa gạo nở ở chùa Thầy là một lựa chọn lý tưởng.

H.D