Những “đoạn đường nở hoa” từ phong trào xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử
Từ nhiều tháng nay, các con đường trong xã Cổ Loa, huyện Đông Anh luôn ngập tràn sắc hoa.Đây là kết quả của đề án “Đẹp”,một trong nhiều “mũi nhọn” của kế hoạch đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội tại xã Cổ Loa với sự vào cuộc của các đoàn thể, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân được triển khai tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, trong khu dân cư. Theo đó, mỗi thôn chọn một đoạn đường tối thiểu 100 mét để trồng hoa tại hai bên đường vào thôn, đường vào nhà văn hóa. Nếu không có đất trồng có thể sử dụng các đồ tái chế như lốp xe, chậu nhựa, chai lọ để trang trí, đổ đất trồng hoa, cây cảnh.
Các thôn cũng lựa chọn một ngõ xóm để thực hiện điểm tường có hoa, cổng nhà có hoa tối thiểu 100 mét. Phong trào lan tỏa khắp xã, người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để làm đẹp cho các con đường trong thôn.Toàn xã có tới 10 con đường hoa như vậy.
Qua đó có thể thấy, sự đón nhận các bộ Quy tắc ứng xử để hình thành nét văn minh, thanh lịch của người Cổ Loa không chỉ là những hành vi, lời nói mà còn là sự ứng xử với môi trường xã hội, cộng đồng xung quanh.
Cũng trong năm 2018, phong trào biến các tụ điểm rác thải, các con đường cỏ dại thành “đoạn đường nở hoa” được các cấp hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Mỹ Đức tích cực triển khai. Những “đoạn đường nở hoa” là biểu hiện sinh động về diện mạo nông thôn mới của huyện Mỹ Đức ngày càng văn minh, xanh – sạch – đẹp.
Tại huyện Mỹ Đức, những “đoạn đường nở hoa” cũng được thực hiện từ chủ trương của huyện ủy Mỹ Đức nhằm góp phần thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Bắt đầu triển khai tại 11 xã: An Mỹ, Lê Thanh, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Bột Xuyên, Hồng Sơn, Xuy Xá, Phù Lưu Tế, Đại Hưng, Vạn Kim, Đốc Tín. Từ đó, các xã đã tuyên truyền, vận động Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể tích cực thực hiện việc trồng hoa trên những tuyến đường làng ngõ xóm, trong khuôn viên nhà ở, trụ sở làm việc góp phần làm đẹp cảnh quan, làm sạch cỏ dại, rác thải ven đường và bảo vệ môi trường.
Tại thôn Kênh Đào xã An Mỹ, là một trong những đơn vị đầu tiên trong huyện triển khai đoạn đường nở hoa với độ dài hơn 1000 mét. Trước đây, đoạn đường vào thôn Kênh Đào, xã An Mỹ đầy sỏi đá, cỏ dại, rác thải và chỉ sau một thời gian ngắn mọi người cùng tham gia trồng, chăm sóc nay đã khoác trên mình thảm hoa mười giờ sắc màu rực rỡ giữa khung cảnh nông thôn ngày càng đổi mới.
Phong trào “đoạn đường nở hoa” đã được hầu hết các Đoàn thể hội viên cùng người dân trong xã tích cực hưởng ứng bởi người dân nhận thấy đây là ý tưởng thiết thực, góp phần làm đẹp cho quê hương. Hội, đoàn thể ở các thôn, xóm cùng nhau bàn bạc, lựa chọn các tuyến đường và tiến hành trồng hoa. Nhiều gia đình đã nhiệt tình hỗ trợ, ủng hộ các giống hoa dễ trồng, dễ chăm và cho hoa đẹp suốt quanh năm như hoa mười giờ, tám giờ các màu, thạch thảo… để trồng trên các tuyến đường.
Người dân xã An Mỹ cho biết, từ khi có các “đoạn đường nở hoa”, nhân dân trong xã rất phấn khởi trước cảnh quan làng quê ngày càng tươi đẹp, văn minh. Ý thức của mọi người cũng có nhiều thay đổi. Nạn xả rác bừa bãi bớt hơn hẳn so với trước. Mọi người đều hiểu giữ gìn môi trường sống trong lành là rất quan trọng cho sức khỏe của chính mình.
Không chỉ ở An Mỹ, phong trào xây dựng các “đoạn đường nở hoa” đã lan tỏa tới 22 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức. Từ phong trào này, mọi người đã vận động, tuyên truyền các thành viên trong gia đình cùng lối xóm chung tay với công tác bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao ý thức người dân. Đi lại trên những con đường sạch – đẹp người dân cũng cùng có ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, bớt vứt rác bừa bãi.
Vì một môi trường sống xanh – sống sạch – sống đẹp
Môi trường sống có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ điều đó, trong thời gian qua phường Bồ Đề (quận Long Biên) đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp vì môi trường xanh, sạch và bền vững. Đặc biệt trong năm 2018, nhờ sự nỗ lực của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường của phường đã có nhiều dấu ấn tích cực.
Việc tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân. Do đó ban chỉ đạo đã tập trung đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tuyên truyền trực tuyến thông qua kẻ vẽ pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu và sinh hoạt lồng ghép câu lạc bộ.
Ngoài ra người dân được khuyến khích thực hiện phong trào thi đua xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp bằng các hành động cụ thể như: đổ rác đúng thời gian, địa điểm quy định; không vứt rác bừa bãi ra hè đường, lề phố; quảng cáo văn minh; tham gia tổng vệ sinh tại gia đình cũng như trên các tuyến đường trên địa bàn nơi sinh sống… Qua đó mỗi người dân phường Bồ Đề đã tự nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Để thực hiện tốt tiêu chí “Xanh”, các cây xanh bị chết, khô héo đã được nhanh chóng thay mới tại các tuyến đường, phố trên địa bàn phường, xây dựng vườn hoa, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh thường xuyên.
Bên cạnh đó, công tác thu gom rác thải, xử phạt các hành vi vi phạm cũng được thực hiện nghiêm đã giúp đem lại cái “Sạch” cho toàn phường. Cụ thể, tổng khối lượng rác được thu gom, vận chuyển trên địa bàn phường trung bình 30 tấn/ngày, trong đó 88,3% bằng phương tiện xe ô tô. Việc sử dụng xe ô tô thu rác góp phần nâng cao năng suất, giảm bớt các điểm tập kết rác trên đường gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Các thùng 660l được sử dụng giúp tăng khả năng chứa rác thải, giảm tình trạng đổ rác bừa bãi ra đường phố không đúng giờ, không đúng nơi quy định.
Không chỉ vậy, UBND phường rất chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường. Với khẩu hiệu “Vì một Long Biên xanh, sạch, đẹp”, vào ỗi sáng thứ 7 hàng tuần, các thành viên câu lạc bộ “Tình nguyện vì môi trường” đều nhiệt tình ra quân dọn dẹp các tuyến phố, ngõ xóm. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tích cực tổ chức các hoạt động: Ngày chủ nhật xanh; phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần… Cùng với đó, phường thường xuyên phát động phong trào nhân dân thực hiện công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cống rãnh thoát nước ít nhất 2 lần/tháng; mỗi tổ dân phố thành lập Tổ tự quản vệ sinh môi trường… Đoàn Thanh niên thành lập các mô hình điểm như các đội: “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Thanh niên tình nguyện với chủ đề ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, “Tình nguyện xanh”… Không chỉ vậy, được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các đoàn thể còn phối hợp với ban ngành chức năng mở lớp tập huấn, hướng dẫn đoàn viên, hội viên phân loại và xử lí, thu gom rác thải ngay tại gia đình. Nhiều mô hình như mô hình 5 không, 3 sạch của hội phụ nữ (nội dung “5 không” đó là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; nội dung “3 sạch” là: sạch nhà-sạch bếp-sạch ngõ), con đường tự quản của đoàn thanh niên đã đem lại hiệu quả thiết thực và ngày được nhân rộng.
Người dân phường Bồ Đề rất tự hào với địa phương khác vì cảnh quan đô thị không chỉ rợp mát bóng cây xanh, sạch sẽ không rác thải bừa bãi mà còn đẹp, văn minh bởi hệ thống viễn thông, điện lực gọn gàng.
Qua đây có thể khẳng định, các cấp uỷ, chính quyền địa phương không những nắm rõ, tuyên truyền cho người dân việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng mà bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã lồng ghép linh hoạt các phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào của các hội, đoàn thể với việc tuyên truyền thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong nhân dân; góp phần thiệt thực vào việc nâng cao đời sống của người dân, cải thiện môi trường xung quanh mà qua đó còn góp phần xây dựng bộ mặt quê hương ngày Xanh – Sạch – Đẹp – Văn minh; giúp diện mạo làng quê, ngõ xóm thêm tươi mới, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường sống. Đó cũng chính là những hành động cụ thể hoá việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng mà Thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai đến mọi người dân sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thanh Hằng/MASK