Nếp sống văn minh, thanh lịch phải là bài học nhập môn của học trò
Với tốc độ đô thị hoá nhanh cùng với tác động của nên kinh tế thị trường, Hà Nội đã đạt được thành tựu trên nhiều phương diện của đời sống. Tuy nhiên, cùng với thành công là những mặt trái và nguy cơ suy thoái về nhiều yếu tố văn hóa, xã hội. Một trong những vấn đề tương đối “nóng” hiện nay là văn hóa ứng xử của những người trẻ nơi công cộng.
Có thể thấy, những hành vi kém văn hóa thường xảy ra nhất ở nơi công cộng đối với người trẻ đó là: Xả rác bừa bãi; nói tục, chửi bậy; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng; viết bậy, bôi bẩn tại các công trình; va chạm trong quá trình tham gia giao thông cũng có thể dẫn tới những hành vi cãi cọ, xô xát… Sau khi kết thúc những chương trình, lễ hội lớn, ta dễ nhận thấy rác được xả bừa bãi ra đường, vỉa hè dù đã bố trí thùng rác.
Văn hóa ứng xử trong nhà trường, nơi làm việc hiện nay cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Tình trạng học sinh dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết sự việc, hay thái độ thất lễ của học trò với giáo viên trở nên thường xuyên hơn. Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, bạo lực học đường đã và đang có những chuyển biến hết sức phức tạp không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà bạo lực học đường còn diễn ra ở dưới góc độ khác với sự cố ý lạm dụng những tính năng của mạng xã hội của người sử dụng mạng xã hội để tra tấn, làm nhục nhân phẩm người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ngày nay như con dao hai lưỡi đối với người sử dụng, nhất là bạn trẻ nếu không biết kiểm soát nó. Bên cạnh đó, người trẻ sử dụng mạng xã hội còn dễ dàng bị nhiễm những trào lưu của thế giới dù tốt hay xấu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi ứng xử không đẹp của người trẻ nơi công cộng, trên mạng xã hội. Chẳng hạn như muốn thể hiện cái tôi khác biệt của mình; ảnh hưởng từ giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội; chế tài cho hành vi kém văn hóa chưa nghiêm; sự vô cảm của cộng đồng…, tất cả đều tác động đến ý thức nơi công cộng của người trẻ.
Nhưng đặc biệt, văn hóa ứng xử của người trẻ ảnh hưởng rất nhiều từ nếp sống gia đình. Nếu gia đình có sự giáo dục tốt thì sẽ tác động tốt lên ý thức của người trẻ. Gia đình, nhà trường, xã hội phải có mối liên kết chặt chẽ trong giáo dục văn hóa ứng xử. Các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, cần phải xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử phù hợp để mọi người thực hiện. Tổ chức đoàn, hội phải là đơn vị chủ lực trong việc xây dựng văn hóa ứng xử cho người trẻ; thay đổi cách tổ chức hoạt động, phong trào một chiều bằng cách chú trọng thăm dò, tìm hiểu xem bạn trẻ mong muốn điều gì để đưa ra những phong trào thiết thực.
Nếp sống văn minh, thanh lịch phải là bài học nhập môn của học trò, bất kể tuổi nào, cấp mấy, lớp bao nhiêu khi cắp sách tới trường. Chính vì vậy, từ năm 2011, ngành giáo dục Thành phố đã triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh cho học sinh Hà Nội” cho học sinh ở tất cả các cấp học. Cùng với đó là việc ban hành quy tắc ứng xử nơi cộng cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trọng tâm của Chương trình 04/CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội khoá XVI về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Việc triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô… đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là của thế hệ trẻ; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy…Được giáo dục trong môi trường văn hóa, nhiều học sinh đã có những thay đổi trong nhận thức về lối sống, ửng xử, giao tiếp… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức.
Xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch từ tình yêu Hà Nội
Tiếp nối, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu – thời đại của công nghệ và khoa học, Thăng Long – Hà Nội hào hung, anh dung nhưng cũng thân thiện, hoà đồng. Giữ vững tinh thần ấy, cùng với trách nhiệm của mình, Hà Nội hôm nay khi phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Người Hà Nội vốn hào hoa phong nhã. Từ ngàn đời nay, khi nói về vẻ đẹp của người Hà Nội, hai chữ “thanh lịch” dường như đã được “đóng đinh” định vị. Song, Hà Nội trái tim của cả nước, thành phố của sự phát triển và giao lưu, Hà Nội cũng là nơi muôn phương hội tụ. Do đó, tất yếu trong lòng Hà Nội đang diễn ra quá trình giao thoa mạnh mẽ giữa truyền thống và hiện đại.
Quá trình ấy tất yếu có va đập, sự tích hợp nét đẹp nhưng cũng đi kèm thói xấu… sẽ tác động đến việc hình thành lối sống, nếp sống người Hà Nội. Xây dựng được một lối ứng xử văn hóa là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Nghị quyết của Bộ Chính Trị phát triển văn hoá Việt Nam đạm đà bản sắc dân tộc, và Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho thấy quyết tâm và đường hướng cơ bản để xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và mục tiêu xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ nét trong nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội; khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn gia đình truyền thống của Thăng Long – Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị hiện đại; đẩy mạnh xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở…
Theo đó, xây dựng nếp sống người Hà Nội với các tiêu chí: Chấp hành pháp luật, sống nghĩa tình, nhân ái, vì mọi người, nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp… Đồng thời, năm 2017, Thành phố đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong công sở. Đây là một trong những bước chuyển biến vững chắc trong việc củng cố, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải bắt đầu từ việc xây dựng con người văn hóa. Mỗi con người một thói quen khác nhau, từng nhóm đối tượng lại cần những cách tiếp cận khác nhau để có thể xây dựng được lối sống văn hoá cho cả Thành phố. Đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội từng cho rằng, việc triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không phải là việc làm một sớm một chiều có thế thấy ngay được kết quả hay sự thay đổi tiến bộ. Do đó, việc tuyên truyền, xây dựng lối sống văn hoá phải đồng bộ, rộng khắp, tránh để trống địa bàn, trống đối tượng. Và một trong những yếu tố cần phải tập trung khi xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là xây dựng ý thức văn minh trong gia đình và trường học…
Chúng ta đang sống trong những thời khắc giao thoa của văn hóa, thiết nghĩ, quá trình tạo dựng những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử của người Hà Nội không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, nó đòi hỏi những nỗ lực bền lâu, liên tục, nhất là phải bắt đầu từ lớp trẻ. Khi những mầm non của Thủ đô, những chủ nhân tương lai của Thành phố được quan tâm rèn giũa thì việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa người Hà Nội chắc chắn sẽ đi tới đích thành công, càng củng cố niềm tin vào việc hình thành nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô trong thời đại mới.
Nếp sống thanh lịch, văn minh là nét đẹp truyền thống được kết tinh từ hàng nghìn năm gây dựng và phát triển của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Để nếp sống tiếp tục lan tỏa những giá trị trường tồn trong cuộc sống hôm nay, trách nhiệm phải được thực thi gắn với tình yêu Hà Nội, phải để học sinh hiểu về Hà Nội, xây dựng hình ảnh thanh lịch, văn minh bằng chính tình yêu Hà Nội.
Tiểu Vy/MASK