Nằm trong chuỗi các hoạt động kéo dài từ 24/5 đến 09/6/2019 nhân dịp Tết Đoan Ngọ do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu một số phong tục tập quán, nghi lễ trong dân gian và cung đình, giúp người xem tìm về cội nguồn xưa, hiểu và trân trọng hơn những giá trị truyền thống cốt lõi, trường tồn của dân tộc như tinh hoa ẩm thực, tinh hoa làng nghề, tinh hoa y học cổ truyền qua bàn tay sáng tạo, tài hoa của những nghệ nhân; chương trình hoạt cảnh tái hiện Lễ ban quạt trong cung đình xưa với chủ đề “Một thoáng Đoan Dương thời Lê Trung Hưng” đã được tái hiện.
Chương trình biểu diễn được xây dựng dựa trên cơ sở khảo cứu các nguồn thông tin và tư liệu, khảo sát thực địa để đưa ra các phương án và kế hoạch phù hợp nhất. Đây là một chương trình sân khấu hóa, tái hiện một phần không khí Tết Đoan Dương (Đoan Ngọ) thời Lê Trung Hưng.
Giải thích về ý nghĩa của lễ ban quạt vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan, với mong muốn ban phúc lành, sức khỏe và bình an. Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, nhà vua sẽ ban quạt cho quan viên để thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu quốc gia tới các bề tôi. Lễ ban quạt có ý nghĩa, đưa đến làn gió mát từ vua tới quan viên.
Được biết, công đoạn thiết kế và sản xuất phục trang cho chương trình được thực hiện công phu, đảm bảo chuẩn cổ, đẹp và đậm nét thời Lê Trung Hưng. Toàn bộ trang phục của chương trình do công ty Ỷ Vân Hiên cung cấp (Một công ty được biết đến với những con người đam mê, dành nhiều tâm huyết để phục hồi, tôn tạo các nét đẹp văn hóa truyền thống đã mất của Việt Nam).
Chương trình biểu diễn mong muốn mang lại cho công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng nhiều trải nghiệm mới, để hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật cổ, cũng như nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống.
Vân Hiên/MASK