Tết xưa, Tết nay của người Hà Nội

Nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Đối với những người Hà Nội gốc, Tết cổ truyền xưa là một điều rất thiêng liêng, tuy nghèo khó nhưng đầy ắp yêu thương và trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống không thể xoá nhoà.

“Tết ngày xưa cầu kỳ lắm”

Vốn là người Hà Nội sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ, nói về cái Tết cổ truyền, ông Nguyễn Anh Tuấn, một đại tá về hưu ở số nhà 91 phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn còn nhớ như in: “Hồi bé thì cứ sắp đến Tết, trẻ em chúng tôi háo hức lắm. Được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được ăn ngon, được đi chơi, đốt pháo và nhất là được nhiều tiền mừng tuổi”.

Đối với ông Tuấn, Tết xưa Hà Nội khác Tết nay nhiều lắm. Thứ nhất là lo sao có tiền để mua sắm, nhất là thời bao cấp thì tem phiếu mấy tháng trước Tết phải nhịn miệng dồn lại để Tết mua được dư dả, từ cân thịt, cân bột mỳ chục trứng để làm bánh quy. Hay xếp hàng mua túi quà Tết theo tiêu chuẩn với đủ thứ trong ấy: Hộp mứt, gói chè, bao thuốc, miếng bóng bì, lạng miến dong cho đến túi nho nhỏ mỳ chính, hạt tiêu… “Còn bây giờ thì mọi thứ ê hề trong siêu thị, đẩy xe đi một lần là có tất những thứ mình muốn, chỉ sợ không có tiền. Có lẽ, chính vì vậy, việc khác nhau lớn nhất là xưa người ta thích Tết, giờ người ta sợ Tết!”, ông Tuấn nhận định.

Tết xưa, Tết nay của người Hà Nội

Theo ông Tuấn, Tết ngày xưa cầu kỳ lắm. Nhà ông từ trước mấy tháng đã lo kiếm củi gộc để nấu nồi bánh chưng, rồi nào là lá dong, gạo nếp, đỗ xanh làm sao cho cái bánh chưng được xanh ngon. Còn mâm cỗ Tết Hà Nội xưa không thể thiếu những món như: Gà luộc, khoanh giò, đĩa nem rán, hạnh nhân xào, đĩa xôi, bát măng, bát bóng, bát miến và không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh mướt. Để làm được mâm cỗ Tết xưa, các bà các cô Hà Nội cổ khó tính, cầu kỳ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến và bày biện.

Ví như, gà phải là trống thiến, chân giò phải là chân giò sau, măng khô loại măng lưỡi lợn ngâm trước cả tuần, luộc dăm nước rồi thái vát để nấu nồi măng thật nhừ tới, cắn miếng măng ngon hơn miếng thịt. Bóng phải dầy và trắng, ngâm nước nở đều thái hình thoi tẩy rượu gừng thơm phức, chân tẩy của nồi bóng nhất định phải dùng nước luộc gà, su hào, cà rốt thái hoa tỉa răng cưa và không thể thiếu thịt nạc thăn với vài quả đậu Hà Lan cùng dăm cái nấm hương thơm phức.

Tết nay, người ta no nê quanh năm nên ít chú ý đến mâm cơm Tết bởi món nào cũng có thể nấu ngày thường và ăn quanh năm, không như ngày xưa chỉ Tết mới có. Người ta cũng ít cầu kỳ như trước, chỉ còn những gia đình Hà Nội gốc là còn giữ nếp xưa, cẩn thận cầu kỳ cho mâm cơm tất niên ngày 30 âm lịch.

Cận Tết thì nhà nhà đều cố gắng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Xưa thì có khi quét vôi lại cho nhà sáng sủa. Rồi ra phố kiếm mấy tờ lịch treo tường, ít chữ Lộc, Thọ về dán cửa dán tường. Hoa Tết thì không thể thiếu, các cụ xưa xính lọ hoa cắm chân chim, violet, lay dơn, thược dược, đồng tiền… và thêm cành đào, chậu quất. Ông Tuấn hồi tưởng lại: “Vì nhà tôi nằm ngay trên con phố Hàng Mã, nơi chợ hoa truyền thống của Hà Nội, từ 20 âm lịch là chợ hoa nhộn nhịp. Người trồng hoa từ Nghi Tàm, Tứ Liên đã tụ tập về bán đủ các loại hoa. Tôi ngày nào cũng ra chợ hoa, vừa là ngắm nghía, hưởng cái không khí chợ hoa Tết, sau là lựa lấy chậu quất, cành đào ưng ý, đào phải nhiều nụ, dáng đẹp. Quất thì phải nhiều quả, to tròn, vàng có, xanh có và lộc có, dáng đẹp có tầng…”.

Giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Thuận, người Hà Nội gốc sinh ra ở vùng đất Tây Mỗ, (huyện Từ Liêm cũ, nay thuộc quận Nam Từ Liêm), nơi vốn là vùng đất có truyền thống khoa bảng “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” nổi tiếng của Thăng Long xưa, luôn quan niệm Tết là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, đây cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gặp gỡ, sum vầy và cùng nhau ôn lại những gì đã trải qua trong một năm.

Đối với gia đình bà Thuận, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà bà lại cúng tiễn đưa ông Táo về chầu trời một cách nghiêm trang, chu đáo, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng. Sau đó, nhà bà tụ tập đông đủ con cháu đi tảo mộ cuối năm. Bà Thuận luôn coi trọng việc này để giáo dục con cháu thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Việc dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ và bày biện mâm ngũ quả, bình hoa trên bàn thờ gia tiên cũng được gia đình chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận trước thời điểm giao thừa.

Tết xưa, Tết nay của người Hà Nội

Theo bà Thuận, nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn và có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà. Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ, bắt đầu đón chào những điều mới mẻ trong năm tới. Giao thừa là lễ “tống cựu nghinh tân” với lệ đốt pháo để xua đuổi mọi buồn phiền, mang lại sự giòn giã, vui vẻ. Sáng mồng 1 Tết, con cháu mừng tuổi, chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ lại mừng cho con cháu mỗi đứa vài đồng, gọi là tiền mừng tuổi lấy may. Anh em, họ hàng, người thân đến nhà nhau lạy gia tiên và chúc cho nhau những lời hay ý đẹp.

Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Từ ngày mồng 2 Tết trở đi đến suốt cả tháng Giêng, Hai, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ, người thì du ngoạn, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng…. Người ta gọi là thưởng xuân, chơi xuân.

Trước đây, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi họ muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa, xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt.

Bởi vậy, bà Thuận luôn quan niệm những nét đẹp văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc có vai trò rất quan trọng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc đặc biệt cần thiết, đồng thời lựa chọn, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa quốc tế để phù hợp với nhịp sống hiện đại, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lẫn truyền thống được tôn vinh để lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau.

M.Phương