Chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02) trong các cấp Công đoàn Thủ đô tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo Công đoàn toàn quốc năm 2023 diễn ra hôm nay, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết: Ngay sau khi Tổng Liên đoàn ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02, LĐLĐ Thành phố đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 35-KH/TU, LĐLĐ Thành phố ban hành kế hoạch số 45/KH-LĐLĐ ngày 06/9/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 trong các cấp Công đoàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: B.D. |
Đặc biệt, ngày 29/7/2021, LĐLĐ Thành phố đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới, đó là: Nghị quyết số 14/NQ-BCH về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn”, Nghị quyết số 15/NQ-BCH về “Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước”. Đây là những định hướng, cơ sở chính trị quan trọng để tổ chức Công đoàn phát huy vai trò, vị thế của mình.
Theo đồng chí Nguyễn Huy Khánh, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, hàng năm, LĐLĐ Thành phố xây dựng chương trình công tác đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nội dung, nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả 4 đề án thí điểm nhằm phát triển tổ chức Công đoàn về cả chất và lượng.
Đó là các đề án: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”.
LĐLĐ thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 02 tới trên 300 cán bộ chủ chốt Công đoàn Thủ đô. Theo đó, 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động tham mưu cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động tại địa phương, đơn vị; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc 100% Công đoàn cơ sở trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết hoặc lựa chọn các nội dung phù hợp đưa vào chương trình công tác nhiệm kỳ, hàng năm để triển khai thực hiện.
Qua đó nêu bật một số nội dung quan trọng trong Nghị quyết, như Công đoàn phải xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững của đất nước…
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo Công đoàn toàn quốc năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức diễn ra trực tiếp tại trụ sở Tổng Liên đoàn, truyền trực tuyến tới 62 LĐLĐ tỉnh, thành phố và Công đoàn Cao su Việt Nam. |
Đặc biệt, trong năm 2022, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Ban Thường vụ 30 Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Đảng ủy khối các cơ quan thành phố Hà Nội với mục tiêu tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tổ chức, cán bộ, ưu tiên hướng đến triển khai các hoạt động trọng tâm, cốt lõi của tổ chức Công đoàn hướng mạnh về cơ sở để chăm lo, đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 02, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đã có chuyển biến, nhiều nơi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, đảm bảo sự đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô.
Tập trung các hoạt động trọng tâm, cốt lõi của Công đoàn
Để tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 02, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Huy Khánh cho biết: Thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, đổi mới công tác xây dựng tổ chức đảm bảo tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ côt lõi của tổ chức Công đoàn. Mọi hoạt động đều phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động để xác định nội dung, mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết tin tưởng của người lao động với tổ chức Công đoàn.
Công đoàn cở sở phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện làm việc, quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên, người lao động; kịp thời đề xuất, thương lượng, đối thoại, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố và cấp ủy địa phương, đơn vị về công tác tổ chức cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Chủ động tham mưu triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố với Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút, ưu tiên bố trí cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trưởng thành từ cơ sở và phong trào công nhân.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động. Trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động đối thoại, thương lượng, nâng cao tỷ lệ và chất lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật của các cấp Công đoàn, nâng cao chất lượng hướng dẫn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là các vấn đề về quyền, nghĩa vụ của đoàn viên và người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở, được cán bộ Công đoàn và đoàn viên phấn khởi đón nhận. Ảnh: Mai Quý. |
Bốn là, đổi mới công tác tuyên tuyền, vận động, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn nhất là ở cấp Công đoàn cơ sở sao cho phù hợp với điều kiện làm việc và đời sống của người lao động. Trong đó, đặc biệt nâng cao chất lượng Báo Lao động Thủ đô, trang Web LĐLĐ Thành phố, các trang facebook, nhóm Zalo; nghiên cứu xây dựng kênh You Tube Công đoàn để truyền tải thông tin kịp thời đến với đông đảo đoàn viên, người lao động. Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền.
Năm là, tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô chủ động tham mưu với cấp ủy đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động các doanh nghiệp đến năm 2030” Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, triển hai thực hiện các đề án thí điểm, các mô hình mới nhằm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh như: Đề án thí điểm thành lập nghiệp đoàn, thu hút tập hợp người lao động khu vực lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn, chuyên gia trong một số lĩnh vực giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bảy là, xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, trong đó tập trung làm tốt công tác tham mưu với các cấp ủy Đảng, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng địa phương (cơ quan Thuế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Công an…), triển khai quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ và kịp thời, chống thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.