Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội

Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Riêng đối với Hà Nội, nghề kim hoàn là một trong nghề lâu đời, thuộc nhóm nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn của Thăng Long – Hà Nội.

Khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong khu vực trung tâm nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội, gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền. Khu Phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đã được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia năm 2004.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng luôn coi trọng và xác định việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm không chỉ của chính quyền mà vai trò đóng góp của cộng đồng là vô cùng quan trọng. Việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển kinh tế là một câu hỏi mà chính quyền quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm và cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước các quyết định của mình.

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội”. (Ảnh: Bảo Thoa)

Các dự án và các hoạt động triển khai trong thời gian qua đều thực hiện trên tinh thần vừa gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu, chọn lọc để phát triển và đều hướng tới mục tiêu nâng cao điều kiện sống và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế.

Tại Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội” diễn ra ngày 25/4, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho biết, trong đời sống đương đại, đóng góp của nghề kim hoàn trong rất nhiều sản phẩm không chỉ dừng lại ở trang sức mà còn ở rất nhiều đồ dùng trong cuộc sống hiện nay, đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng đẹp hơn, tinh xảo hơn, và có giá trị thương mại cao hơn.

“Chúng tôi cũng được tiếp cận với các nhà nghiên cứu quốc tế, họ đánh giá rất cao trí tuệ, sự khéo tay của người thợ thủ công Việt Nam, trong đó có các nghệ nhân liên quan đến nghề kim hoàn. Chúng tôi mong muốn làm sao nghề kim hoàn Thăng Long – Hà Nội có thể kết hợp được với các sản phẩm thủ công khác để tạo nên các sản phẩm có tính sử dụng cao hơn, giá trị thương mại tốt hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng cho biết, quá trình khôi phục phố nghề kim hoàn được thực hiện gắn với sự vận động phát triển chung của nền kinh tế và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố của quận một cách bền vững. Khôi phục các giá trị văn hóa phải đi liền với phát triển kinh tế, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của người dân trên tuyến phố.

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Nghề thủ công truyền thống hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn. (Ảnh: Bảo Thoa)

Thời gian quan các điểm di tích như đình Kim Ngân cũng như các không gian văn hóa sáng tạo đang được phát triển mạnh tại khu phố cổ nó cung cấp, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, họa sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công cùng với những người thực hành sáng tạo có một môi trường sống động, lành mạnh nơi mọi người có thể tiếp cận và tận hưởng những giá trị văn hóa.

Tại các không gian văn hóa này bên cạnh các giá trị văn hóa truyền thống, các sáng tạo về văn hóa được khuyến khích tự do biểu đạt nghệ thuật và thúc đẩy sáng tạo thưởng thức và tiếp cận văn hóa.

Về phía thành phố Hà Nội, Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ – làng nghề truyền thống trở thành ngành “Công nghiệp sáng tạo” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Quận Hoàn Kiếm cũng coi nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên.

Song, thực tế hiện nay, nghề kim hoàn tại Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh vàng bạc và sản phẩm kim hoàn, việc sản xuất ngày càng hạn chế. Làng Định Công hiện chỉ còn một số ít hộ gia đình làm nghề. Làng đúc đồng Ngũ Xã chỉ còn một gia đình bám trụ với nghề,… Các nghệ nhân còn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn để đầu tư thiết bị, nâng cao kỹ năng tạo ra sản phẩm kim hoàn, phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Đặc biệt, các nghệ nhân, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần có các giải pháp gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế, trang sức trong trường đại học; gắn kết làng nghề, phố nghề, thành lập bảo tàng về nghề truyền thống; cải tiến mẫu mã và các sản phẩm hiện tại; đẩy mạnh công tác truyền nghề; vấn đề cải tiến quy trình kỹ thuật nghề; các khâu marketing, xây dựng thương hiệu và bán sản phẩm,…

Bảo Thoa

Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội (laodongthudo.vn)