Nghề xưa nơi phố cổ
Hoàn Kiếm là phần thị của kinh thành Thăng Long xưa và là một trong bốn quận nội đô lịch sử của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nơi đây là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà dấu ấn ngành nghề còn lưu lại đậm nét trong tên các tuyến phố.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ngoài những nghề có sẵn ở các làng mạc thôn xóm trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của cả nước, thì việc dân tài tứ xứ kéo về Thăng Long đua trí, đua tài cũng đã tạo nên nét tài hoa độc đáo chỉ có ở người Hà Nội, đất Hà Nội. Chỉ riêng khu vực huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm) mà hạt nhân là khu phố cổ, sự xuất hiện của nghề thủ công truyền thống đã khiến nơi đây trở thành khu vực đông vui, sầm uất nhất kinh kỳ.
Trong cuốn sách “Miêu thuật vương quốc Đông Kinh”, tác giả S. Baron đã nhận xét: “Tất cả các thứ hàng bày bán ở đô thị đều bán riêng ở từng phố, mà mỗi phố lại dành cho một, hay nhiều làng, mà chỉ có những người làng ấy mới được phép mở cửa hàng tại đây”.
Ví như phố Tô Tịch là nơi sản xuất và bán sản phẩm của làng tiện gỗ Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín. Phố Hàng Bông thường bán các loại bông, chăn bông, đệm do người các làng ở Thanh Oai làm ra. Phố Hàng Lược chuyên bán các loại lược gỗ, lược bí, lược sừng là sản phẩm của người làng Thụy Ứng, Thường Tín. Phố Hàng Bạc là nơi hành nghề, trao đổi buôn bán của dân chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hưng Yên), Định Công (Thanh Trì, Hà Nội). Phố Hàng Đào là trung tâm của nghề dệt vải lụa mà phần lớn cư dân đến từ làng Đan Loan, huyện Bình Giang (Hải Dương)…
Xưa, nơi đây các cửa hàng cửa hiệu buôn bán sản xuất hàng thủ công san sát tạo thành những dãy phố chuyên doanh, những phường nghề đặc trưng. Mỗi tuyến phố đều mang dấu ấn của một nghề cổ truyền. Đây là nét đặc trưng của đô thị cổ Hà Nội.
Thách thức trong cơn lốc đô thị
Thời gian qua, nghề thủ công truyền thống trên cả nước đang đứng trước rất nhiều thách thức như: sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế,… Phố nghề, nghề truyền thống trên phố cổ Hà Nội cũng không đứng ngoài những thách thức đó.
Theo ông Đoàn Quang Cường – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố. Phố nghề thủ công mỹ nghệ và các cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ trong khu phố cổ ngày càng có xu hướng thu hẹp.
Tại khu phố cổ Hà Nội hiện chỉ có một số tuyến phố còn giữ được nghề truyền thống, còn lại gần như đã mai một. Phố Bát Sứ trước đây còn gọi là phố Hàng Chén chuyên kinh doanh các sản phẩm làm từ đồ gốm, đồ sành sứ giờ không còn duy trì ngành nghề truyền thống mà chuyển sang kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Phố Hàng Bồ trước đây chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm làm từ cây tre, mía, vầu như bồ, sọt, thúng mủng… hiện nay có khoảng 35 hộ kinh doanh nghề kim, chỉ, khuy, các phụ kiện may mặc. Phố Hàng Vải trước kia chuyên bán các mặt hàng vải may mặc khổ nhỏ, để mộc hoặc được nhuộm màu; một số hộ kinh doanh sản xuất đồ dùng từ tre, nứa như cầu thang tre, cần câu, điếu cày… nay còn khoảng 8 hộ kinh doanh mặt hàng sản xuất từ tre, nứa, vầu. Phố Hàng Bút cũng không còn sản xuất kinh doanh các loại giấy, vở, bút, mực cho học sinh, họa sĩ như trước đây…
Ngay cả phố Hàng Mã, mặc dù vẫn là nơi buôn bán các sản phẩm vàng mã, đèn Trung thu… nhưng hoạt động sản xuất của một thời nay không còn nhiều. Tương tự, phố Hàng Bạc, phố Lãn Ông, phố Hàng Gai số cửa hàng kinh doanh kim hoàn, cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống và cửa hàng kinh doanh tơ lụa cũng đã giảm đi đáng kể.
Tại phường Hàng Gai hiện chỉ có một số ít người dân tiếp tục gìn giữ đặc trưng vừa làm sản phẩm vừa kinh doanh gắn với tên gọi của phố “Hàng”. Còn lại, đa số các hộ dân của phường, trong đó có cả người nơi khác đến thuê cửa hàng, dẫu kinh doanh mặt hàng thủ công truyền thống nhưng đa phần đều lấy nguồn hàng nơi khác để bán.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nhưng chủ yếu là do đất chật người đông, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thay đổi, trước họ dùng mành đan tre, nứa giờ chuyển sang vải rèm, bạt nhựa; vật dụng bằng tôn sắt cũng thay thế bằng đồ nhựa; thêu tay chuyển sang thêu máy công nghiệp… Thêm nữa, kinh tế thị trường mở cửa cho những sản phẩm truyền thống đã được nhiều nơi khác kinh doanh có điều kiện thâm nhập vào phường Hàng Gai”, ông Nguyễn Mạnh Linh – Chủ tịch UBND phường Hàng Gai lý giải.
Cần sự kết nối và tiếp sức
Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử Quốc gia, vì vậy việc bảo tồn giá trị văn hóa là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Với quận Hoàn Kiếm, việc duy trì và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và cả các cơ quan hữu quan.
Nhiều năm qua quận Hoàn Kiếm đã xác định bảo tồn phát huy giá trị di sản, trong đó có nghề thủ công truyền thống là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài, là lợi thế để quận phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Để bảo tồn các giá trị di sản nghề thủ công truyền thống – một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của quận Hoàn Kiếm, các giải pháp khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của phố nghề đã được quận Hoàn Kiếm tập trung triển khai, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị của nghề thủ công truyền thống; Đa dạng hình thức tổ chức các tour du lịch kết nối trên cơ sở hạt nhân là các di tích lịch sử văn hóa, các phố nghề của quận với các tour, tuyến du lịch của Thành phố; Phát huy hiệu quả khai thác di tích gắn với việc giới thiệu và trưng bày kết hợp trình diễn sản xuất sản phẩm làng nghề, phố nghề; Khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề – phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Hoàn Kiếm; Xây dựng những điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề – phố nghề Hà Nội nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách…
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đặt trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống nơi đây. Trong buổi tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội – Sáng tạo để phát triển” do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức mới đây, một số tham luận đã đưa ra những đề xuất cụ thể trong đó tập trung vào các giải pháp: cần có một kế hoạch tổng điều tra toàn diện các tuyến phố nghề truyền thống trên địa bàn quận từ đó xác định tuyến phố nào, ngành nghề truyền thống nào có thể tồn tại, phát huy và phát triển; cần quy hoạch chi tiết, cụ thể các ngành nghề truyền thống đặc sắc, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu, môi trường hoạt động du lịch; đầu tư cơ sở vật chất cho các phố nghề truyền thống để đảm bảo ổn định, tồn tại, phát triển.
Bên cạnh đó cũng rất cần có sự gắn kết giữa các phường trong quận, giữa các phố nghề truyền thống trong địa bàn để tạo thành chuỗi hoạt động thu hút khách du lịch; có những chính sách đầu tư để đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khai thác tài nghệ của nghệ nhân, và đội ngũ thợ trẻ cần được chuyên môn hóa, cần kế thừa những kỹ thuật, kỹ xảo truyền thống từ các nghệ nhân truyền lại để giúp cho những giá trị văn hóa truyền thống của phố nghề có thể được bảo tồn.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội thì cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển.
“Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực. Để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưa chuộng thì việc sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống là rất quan trọng. Bởi thế giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế cũng là một giải pháp căn cốt”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh./.
Thụy Phương
https://nguoihanoi.com.vn/danh-thuc-nghe-thu-cong-khu-pho-co-ha-noi-73801.html