Theo thạc sĩ Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hiện có nhiều chủ đề của chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám dành cho học sinh các cấp, các lứa tuổi. Các chủ đề có tên gọi: Ơ kìa con nghê, Khám phá bia Tiến sĩ, Đi tìm linh vật trên kiến trúc cổ Văn Miếu, Lớp học xưa, Đánh giá môi trường di tích, Vinh quy bái tổ, Khám phá bia Tiến sĩ… Mỗi chủ đề là một bài học về di sản đầy thú vị với các em học sinh.
Thông qua chương trình giáo dục di sản, không chỉ quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa ngàn năm về Trường đại học đầu tiên của Việt Nam, phát triển du lịch mà quan trọng hơn, giáo dục di sản góp phần đổi mới cách dạy và học trong nhà trường, giúp các em học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử, di sản theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”. Thông qua giáo dục di sản, các em học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, phân tích, ghi chép, thuyết trình; phát triển tư duy, tính sáng tạo…
Hoạt động giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trải qua gần 10 năm, thu hút hàng vạn học sinh của các trường học trong và ngoài Thành phố Hà Nội. Gần đây, các em học sinh lớp 8A, Trường THCS Trần Phú, Thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã có buổi tham quan, tham gia chương trình trải nghiệm giáo dục di sản, chủ đề “Tìm hiểu Sách học của nho sinh”.
Qua chủ đề “Tìm hiểu Sách học của nho sinh” các bạn học sinh xứ Thanh đã có cơ hội khám phá được rất nhiều điều lý thú: Học sinh thời xưa học những loại sách gì? Sách được in bằng chữ gì? Sách được in trên giấy gì? Ai là ông tổ của nghề in nước ta? Kiến thức học tập của cha ông ta ngày xưa chủ yếu là kiến thức gì?… thông qua những hiện vật sách học, ván khắc in sách cho nho sinh được trưng bày tại di tích.
Thú vị hơn, các em học sinh đến từ tỉnh Thanh Hóa được tự tay làm sách cho riêng mình từ giấy Dó bằng phương pháp đóng sách của người xưa, được hướng dẫn cách se chỉ từ giấy Dó, trang trí bìa sách theo sở thích,… Học sinh Lê Bảo Minh là một trong những học sinh rất khéo tay, em đã tự tay đóng một cuốn sách rất đẹp với những nút thắt buộc gáy sách tinh tế, trông gần giống một cuốn sách cổ.
Lê Bảo Minh, chia sẻ: “Hôm nay lần đầu tiên con được đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám tham quan. Qua chương trình này con học được chữ Hán và cách đóng sách cổ. Con thấy thú vị nhất là được làm sách, lần đầu tiên con biết dùng giấy se thành chỉ để buộc gáy sách. Con mong được quay lại Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhiều lần nữa”.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh – phụ huynh học sinh, đi cùng các con tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám và cùng tham gia chương trình giáo dục di sản, chủ đề “Tìm hiểu Sách học của nho sinh”, cho biết, chuyến đi của các con rất ý nghĩa, hữu ích, nhất là được trải nghiệm làm sách. Các con được tận mắt, tận tay sờ vào những trang giấy cổ, nhìn thấy những nét chữ, nét mực ngày xưa của cha ông.
“Hi vọng những hoạt động này được phát huy thêm. Qua các trải nghiệm của bản thân, tôi cám ơn ban quản lý di tích đã rất chu đáo từ khâu đón tiếp, tới các hoạt động rất phong phú, đã cho các học sinh có một sân chơi bổ ích”.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh.
Cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, cho biết, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam. Cô giáo Nguyễn Thị Nga cảm thấy rất vui. Các em học sinh rất hồ hởi, hứng khởi. Chương trình trải nghiệm giáo dục này không phải là hình thức sáo rỗng, các con được làm bảng hỏi, quan sát, đọc thông tin tự tìm hiểu kiến thức, tự tay làm các sản phẩm, không thấy thời gian vô nghĩa. “Khóa sau cô giáo sẽ lại đưa các con đến đây tham dự các chủ đề tiếp theo”- cô giáo Nguyễn Thị Nga, khẳng định./.
Quỳnh Chi
Sức hút trải nghiệm giáo dục di sản của Văn Miếu – Quốc Tử Giám (nguoihanoi.vn)