Giảm ùn tắc tại cổng trường, mô hình cần nhân rộng

Phụ huynh đưa đón con đi học cần một chỗ dừng, đậu xe là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sự bất cập giữa nhu cầu với hạ tầng giao thông xung quanh khu vực cổng trường là căn nguyên gây ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trước cổng trường giờ tan học ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội suốt nhiều năm nay.

Áp lực lớn cho giao thông đô thị

Để xe máy lộn xộn; dừng, đỗ xe ô tô không đúng nơi quy định; sang đường không theo hàng lối… là thực trạng thường xuyên diễn ra trước nhiều cổng trường trên địa bàn Hà Nội vào giờ đưa, đón học sinh. Chẳng hạn, tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), do nằm giáp khu vực phố Lò Đúc, khá chật hẹp lại có hai chiều xe chạy nên tại khu vực cổng trường giờ tan tầm, người tham gia giao thông rất khó khăn để di chuyển. Giao thông qua khu vực này thường xuyên ùn ứ dù đội tự quản của phường tích cực phân luồng, điều tiết giao thông.

Giảm ùn tắc tại cổng trường, mô hình cần nhân rộng
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn… cho học sinh. Ảnh minh họa: P.T

Tương tự, tại Trường Tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Trường Mầm non Thành Công A, trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình)… thời điểm giờ tan trường, tình trạng giao thông ở những khu vực này diễn ra lộn xộn. Dù chưa đến giờ tan học nhưng nhiều phụ huynh đã có mặt từ sớm, ô tô và xe máy chen lấn nhau tìm chỗ đỗ. Đáng nói, nhiều cá nhân còn không đội mũ bảo hiểm cho con. Một người dân sống cạnh Trường Tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông) cho biết, quanh trường học, giờ đưa đón học sinh chỗ nào cũng có thể thấy phụ huynh đứng tràn lan ra cả đường lẫn vỉa hè gây cản trở giao thông. Nhiều phụ huynh đón con bằng ô tô khiến việc lưu thông của các phương tiện khác chịu nhiều ảnh hưởng.

Thực tế, những hình ảnh lộn xộn như trên đang diễn ra hằng ngày. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là do ý thức, văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế. Dễ thấy nhất là cảnh người đỗ dọc xe, người dựng ngang xe rất phản cảm. Lòng đường bỗng dưng bị chật cứng bởi lượng người và xe. Vỉa hè rộng cũng được các phụ huynh “trưng dụng” làm nơi đỗ xe chờ đón con. Ở góc độ nhìn nhận khác, nhiều trường học hiện không thể bố trí nơi đỗ xe cho phụ huynh đưa đón con do mặt bằng chật hẹp, không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm, đây là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh phải đứng dưới lề đường.

Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường, các địa phương, trường học đã áp dụng nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do các trường nằm trong khu dân cư đông đúc hoặc ở gần chợ dân sinh, đường giao thông… nên việc giải quyết ùn tắc khó triệt để.

Những điển hình cần nhân rộng

Thực tế cho thấy, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, không ít trường đã bố trí giờ học, giờ tan cho phù hợp. Tại những đơn vị này, trường chủ động phối hợp kế hoạch căn chỉnh giờ tan học so le cách nhau 10 – 15 phút giữa các khối lớp để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm. Nhờ vậy đã trực tiếp giảm lưu lượng các xe gắn máy tập trung trước cổng trường gây ùn tắc giao thông. Những phụ huynh đưa đón con bằng ô tô nên đỗ xe ở khu vực cách xa cổng trường thay bằng việc đỗ trên lề đường sát cổng trường gây ùn tắc.

Trường Tiểu học Dịch Vọng B và Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) là ví dụ. Tại đây, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực cổng trường trên địa bàn đã không còn phức tạp nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an, các ngành, đoàn thể và nhà trường trong triển khai mô hình “Cổng trường an toàn, văn minh”. Theo ghi nhận của phóng viên, do hai trường nằm đối diện nhau, lại gần với ngã tư Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên và nút giao thông Chùa Hà nên tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông khu vực trước cổng trường diễn ra tương đối nghiêm trọng. Nhìn nhận rõ tình hình, quận Cầu Giấy đã chọn triển khai thí điểm mô hình “Cổng trường an toàn, văn minh” tại hai trường này.

Được biết, cuối tháng 3/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, giáo dục bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu 100% nhà trường tổ chức giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn giao thông đường bộ, các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; 100% khu vực cổng trường nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông…

Một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đặt ra là đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào giảng dạy trong chương trình chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm cho học sinh phổ thông…

Ngay khi kế hoạch được xây dựng đầu tháng 10/2020, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là ban giám hiệu của hai trường. Với nòng cốt là lực lượng công an phường cùng đại diện các đoàn thể địa phương, qua triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ý thức người dân, nhất là của các phụ huynh được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc xóa hoàn toàn “điểm đen” về ùn tắc giao thông khu vực.

Một cách làm hiệu quả khác đó là chính quyền địa phương phối hợp với trường học để bố trí phân luồn, làn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) là một ví dụ. Quốc lộ 21A, đoạn qua cổng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm khá hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà, lượng phương tiện qua lại lớn, chạy tốc độ nhanh, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đối với các cháu học sinh là rất lớn. Trước tình hình này, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Trung Sơn Trầm kết hợp với trường đã họp bàn biện pháp giải quyết và thống nhất cử lực lượng thường trực tại cổng trường để đưa đón các cháu qua đường mỗi ngày. Nhờ sự chung tay này, tình trạng mất trật tự tại cổng trường, tình trạng an toàn giao thông tại khu vực được cải thiện rõ rệt.

Rõ ràng, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học rất cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh, các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tìm phương án bố trí địa điểm chờ cho phụ huynh, phân luồng giao thông, sắp xếp giờ học sao cho phù hợp với đặc điểm địa bàn, bảo đảm tốt nhất tình hình giao thông./.

Phạm Thảo/laodongthudo.vn