Huy động nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Trong lĩnh vực văn hóa, dự thảo Luật Thủ đô phân quyền cho Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội quy định một số nội dung như phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; chế độ tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể…

Ngày 1/7, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo.

Ưu đãi nhằm thu hút đầu tư

Tham gia hội nghị có đại diện Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các sở, ngành của Thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học…

Nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, giáo dục và đào tạo của Thủ đô, dự thảo Luật quy định cá nhân, tổ chức khi đầu tư vào ngành công nghiệp văn hoá (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa), giáo dục và đào tạo (đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, cơ sở giáo dục thông minh, cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tại các vùng sâu, vùng khó khăn về kinh tế – xã hội trên địa bàn Thủ đô) được hưởng một số ưu đãi.

Cụ thể gồm: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự thảo Luật cũng phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Huy động nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô
Các đại biểu góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định một số nội dung như phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; chế độ tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; biện pháp khuyến khích đầu tư xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa và bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô; phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý (O&M) đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô; tiêu chí, điều kiện và quy chế hoạt động chung đối với các khu thúc đẩy thương mại và văn hoá ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô.

Ngân sách Thành phố bố trí tối thiểu từ 2% chi phát triển văn hóa

Tại hội nghị, về vấn đề văn hoá, các đại biểu tham dự thống nhất, đề nghị chỉnh lý Khoản 1 Điều 23 (Bảo vệ và phát triển văn hoá) như sau: “Việc bảo vệ và phát triển văn hoá Thủ đô phải xứng tầm với lịch sử, văn hoá và truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thế của Thủ đô và dân tộc, Hà Nội thực sự là Thủ đô văn hiến, trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước và xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trở thành nguồn lực mới cho phát triển Thủ đô…”.

Với Khoản 2 Điều 23 (Các di sản văn hoá, khu vực sau đây trên địa bàn Hà Nội phải được tập trung nguồn lực để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá) Điều 23, các ý kiến đề xuất sửa:

a. Di sản văn hoá (được Unesco ghi danh): Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Di sản tư liệu, chương trình Ký ức thế giới;

b. Di sản văn hoá quốc gia: Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích quốc gia, Bảo vật quốc gia, di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh trên địa bàn Thủ đô;

c. Di sản văn hoá của thành phố: Di tích cấp Thành phố; Di sản văn hoá phi vật thể trong danh mục được kiểm kê;

Đồng thời, đề nghị sửa Khoản 3, Điều 23 như sau: “Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô; Tổ chức các sự kiện, văn hoá, thể thao, du lịch, triển lãm và phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế. Hàng năm, ngân sách Thành phố bố trí tối thiểu từ 2% chi phát triển văn hoá”.

Liên quan đến đề xuất hàng năm ngân sách Thành phố bố trí tối thiểu từ 2% chi phát triển văn hoá, trao đổi với phóng viên, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cam kết tỷ lệ tối thiểu 2% chi ngân sách hằng năm cho văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa Thủ đô.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ đất đai, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các doanh nghiệp văn hóa, cần phải hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án, hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, cũng như không chỉ có chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân mà cần chú ý đến cả các tài năng nghệ thuật, thể thao của Thủ đô. Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển bền vững văn hóa cũng như lan tỏa sức mạnh của văn hóa đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác của Thủ đô…

Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, tạo lập được ở Thủ đô một môi trường văn hoá văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, các đề xuất chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật phải thật sự đặc thù và phù hợp với thực tiễn.

Phương Thảo
https://laodongthudo.vn/huy-dong-nguon-luc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-cua-thu-do-157763.html