“Khám phá nét ẩm thực dân tộc” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chào đón mùa cơm mới với tháng 10 nhiều kỷ niệm, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Chương trình hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo bản sắc dân tộc.

Kéo dài từ ngày 1/10 – 31/10/2023, chuỗi hoạt động với chủ đề “Khám phá nét ẩm thực dân tộc” là dịp để du khách hòa mình vào các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Và từ đó, du khách sẽ thêm hiểu về những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống, đặc trưng, góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào – cũng như tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đoàn kết, gắn bó, cùng phát triển.

nguoi-m-nong.jpg
Một tiết mục truyền thống trong lễ cưới của người M’nông. Ảnh: BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động gồm có:

Chương trình kỷ niệm 93 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (1930 – 2023) với chủ đề “Vẻ đẹp người phụ nữ đồng bào qua đôi bàn tay khéo léo”. Trong đó có các tiết mục dân ca dân vũ đặc sắc của các nhóm cộng đồng dành tặng tất cả những người phụ nữ trong ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Mỗi nhóm cộng đồng giới thiệu một loại bánh đặc sắc và ấn tượng nhất của dân tộc mình cũng như các nghề truyền thống như đan lát, dệt vải của các dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Thái…

Tái hiện Lễ kết nghĩa buôn làng của dân tộc M’nông tỉnh Bình Phước. Đây là một nghi lễ quan trọng của đồng bào M’nông, nhằm đảm bảo sự gắn bó, đoàn kết lâu đời với nhau, coi nhau như anh em ruột từ các hoạt động trên nương rẫy đến sinh hoạt hằng ngày ở buôn làng của bà con. Qua đây cũng là lễ cúng tạ ơn các thần đã che chở, phù hộ cho dân làng có sức khoẻ, làm lụng đủ ăn đủ mặc. Nghi lễ này thường được tiến hành vào tiết nông nhàn dịp tháng 2 – tháng 3 âm lịch sau khi có sự bàn bạc, thống nhất giữa các buôn làng kết nghĩa với nhau. Tùy theo điều kiện của các buôn làng, lễ vật chính thường có 7 con heo (hoặc 1 con trâu), rượu cần, nếp rẫy nấu cơm lam… và tất cả sẽ được chuẩn bị trước đó trong khoảng 3 – 7 mùa trăng.

nghe-nhan-dang-trinh-dien-trong-le-hoi-sen-dolta.jpg
Nghệ nhân đang trình diễn tại Lễ hội Sen Dolta của người Khmer. Ảnh: BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chương trình giao lưu, dân ca dân vũ “Bản hòa âm M’nông”. Các tiết mục theo chủ đề “Bản hòa âm M’nông” với những hoà âm sâu lắng, nhịp nhàng, tiết tấu rộn rã, tươi vui mang hơi thở của đất và tình người M’nông được thể hiện bằng các loại nhạc cụ truyền thống của người M’nông như cồng chiêng, kèn lá, đàn đáo, sáo tre, kèn bầu, kèn sừng trâu. Cùng với đó là các tiết mục giao lưu âm nhạc của các đồng bào Xơ Đăng (Kon Tum), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) đang hoạt động hằng ngày tại Làng.

Hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống và không gian văn hóa ẩm thực M’nông. Tại đây, các món ăn truyền thống, nghề truyền thống của đồng bào M’nông như bánh lá, cá khô, cơm lam, thịt nướng, nghề dệt, đan lát sẽ được giới thiệu chi tiết hơn tới du khách theo từng các công đoạn. Các nghệ nhân sẽ thực hành để du khách có cơ hội tương tác, trải nghiệm, hòa mình vào những khoảnh khắc truyền thống của người M’nông. Cùng với đó là phần trưng bày, triển lãm ảnh “Bình Phước – Hồn đất, tình người” nhằm giới thiệu những điểm đến, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Bình Phước.

thay-mo-trong-le-cung-com-moi-cua-nguoi-muong.jpg
Thầy mo trong Lễ cúng cơm mới của người Mường. Ảnh: BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra là các hoạt động hằng ngày và cuối tuần với nhiều trò chơi dân gian (ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, leo cột, kéo co…); nhiều tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu (nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát Ayray và diễn tấu Đinh năm…); những đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc Mường, Thái, Dao, Ê Đê, Tày, Tà Ôi… Và đặc biệt là Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình (được tổ chức vào tháng 9 hoặc tháng 10 hằng năm). Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng (có ý nghĩa như Lễ Vu Lan báo hiếu của dân tộc Kinh. “Sen Dolta” dịch ra có nghĩa là “cúng ông bà”)./.

Yến Ly