“Xây” tương lai cho người tự kỷ

Với mong muốn đem đến cho người tự kỷ môi trường học nghề phù hợp, Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Vkagbe đã thành lập quán “Cafe – trà hoa quả VK” (ngõ 7, phố Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân) từ tháng 8-2020 với mục đích để các thanh, thiếu niên tự kỷ được tham gia các hoạt động phục vụ khách hàng dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ sát sao của giáo viên. Đây là một trong những mô hình tiên phong trên địa bàn Hà Nội trong việc giúp người tự kỷ vừa có thu nhập vừa tạo môi trường hòa nhập với cộng đồng.

Các em tự kỷ ở Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Vkagbe dọn đẹp quán “Cafe – trà hoa quả VK”.

 

Lợi ích kép

Đến quán “Cafe – trà hoa quả VK”, khách hàng không khỏi ngạc nhiên với phong cách phục vụ, pha chế khá chuyên nghiệp của 6 thanh, thiếu niên tự kỷ. Tại góc Feedback (phản hồi) của quán, bạn dễ dàng nhìn thấy những lời nhận xét “có cánh” của khách hàng: “Cà phê cực thơm và ngon, các bạn rất giỏi và khéo tay nữa”, “Hoa quả sấy ngon và ngọt tự nhiên”, “Mong quán phát triển tốt để các bạn cảm thấy vui và có điều kiện sống tốt hơn”…

Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999) là một nhân viên khá nhanh nhẹn của quán. Từ việc chào khách, pha chế, phục vụ khách hàng em đều có thể làm được. Hiếu làm việc ở trung tâm được 2 năm, đã có nhiều thay đổi cả về tâm lý và nhận thức, em rất vui và hạnh phúc khi đã có công việc khá phù hợp. Cũng tại đây, Phạm Nguyễn Hạnh Chi (sinh năm 1996) đã được trung tâm giúp đỡ vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây Chi thực sự cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi ngày ngày được tiếp xúc với nhiều người, lại có thu nhập dù chưa phải cao.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập Vkagbe cho biết, hỗ trợ việc làm cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp các em có được một cuộc sống ổn định mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt gánh nặng cho xã hội và gia đình. “Dạy nghề cho người tự kỷ đã khó, xin việc cho người tự kỷ ở cơ quan khác còn khó gấp bội. Các em không thể làm công việc có quy trình phức tạp mà chỉ có thể hoàn thành những công đoạn nhất định, đồng thời các em cũng gặp khó khăn trong quản lý hành vi, cảm xúc, cách thích nghi, thích ứng. Mong muốn của chúng tôi là mô hình này giúp các em có môi trường học việc tốt, xa hơn sẽ giúp các em có công việc phù hợp”, chị Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh.

Mô hình sáng tạo

Nhiều năm gắn bó với việc dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hà, giáo viên Công ty TNHH Tư vấn và phát triển giáo dục đặc biệt Đậu Nhí (trụ sở ở quận Hoàng Mai) đánh giá, hoạt động hướng nghiệp bằng cách mở quán cà phê cho trẻ tự kỷ là cách làm rất hay, sáng tạo. “Phải nói chị Thúy khá bản lĩnh vì đã có rất nhiều người ao ước làm nhưng chưa dám thử. Cái khó với người tự kỷ là làm công việc gì cũng rất khó khăn. Người tự kỷ không được linh hoạt mà khá rập khuôn nên rất khó học nghề. Các tình huống xảy ra với khách hàng họ không tự xử lý được, kể cả khi làm việc cũng đều phải có người giám sát. Người tự kỷ với các kỹ năng tự phục vụ bản thân đã khó, trong khi đây còn là công việc phục vụ khách hàng. Tuy có nhiều khó khăn nhưng họ lại chăm chỉ, luôn làm đúng quy trình, nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao phó”, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Chị Phạm Thị Ngọc Linh, giáo viên tổ giáo dục hòa nhập, Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) đánh giá, mô hình này cho thấy không cần có chi phí đầu tư quá lớn để tạo ra môi trường có thể tạo thu nhập cho trẻ em tự kỷ, cũng như tạo môi trường hòa nhập đúng nghĩa cho các em. Các em được giao tiếp, được ứng dụng, thực hành những bài học giao tiếp vào đời sống thực. Công việc này cũng không quá khó, kỹ năng cũng không quá phức tạp đối với đại đa số trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, theo chị Phạm Thị Ngọc Linh, để duy trì lâu dài mô hình này và nhân rộng thì trung tâm cần nỗ lực hơn nữa trong nhiều mặt dịch vụ, tức là hướng tới đáp ứng tốt nhu cầu chung của khách hàng.

Được biết, bên cạnh việc bán cà phê, quán còn kinh doanh hoa quả sấy, bánh ngọt do người tự kỷ sản xuất. Các loại hoa quả như cam, táo, lê, thanh long… được chính các bạn tự kỷ rửa, thái, xếp vào máy sấy, sau đó đóng gói. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Thúy, hiện các em vẫn đang trong quá trình học việc, chỉ có 2 em đã có thu nhập. Để bảo đảm cuộc sống, các em cần nỗ lực làm tốt hơn nữa. Muốn vậy, giáo viên phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, hướng dẫn các em làm ra sản phẩm chất lượng cao đủ sức đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Để hiện thực hóa mong muốn tốt lành, chị Nguyễn Thị Thúy khẳng định một lần nữa: “Hiện nay, trung tâm có hơn 30 em theo học, với độ tuổi từ 3 – 25. Chúng tôi đang triển khai trồng rau sạch và cung cấp cho người tiêu dùng từ chính mảnh vườn của quê tôi – huyện Thanh Oai. Nguồn nhân lực chính sẽ là các em tự kỷ, bởi làm vườn là công việc khá phù hợp với các em, khi ấy các em được vận động trong môi trường thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, chúng tôi còn xin việc cho các em ở các cửa hàng làm tóc phù hợp với sở thích, khả năng của từng em”.

HN/https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn