Tổ dân phố 4, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, hiện có hơn 300 hộ dân đang sinh sống. Đa số dân cư của tổ là dân gốc tại địa phương nên có nhận thức tốt, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Nhiều năm qua, nơi đây luôn là tổ dân phố văn hóa tiêu biểu của phường Trung Văn.
Vừa qua, Tổ dân phố số 4 đã được chọn làm điểm về xây dựng mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu. Có thể nói đây là nhiệm vụ khó, đồng thời cũng là vinh dự lớn đối với cán bộ, đảng viên nhân dân toàn tổ bởi nhân dân trong tổ chính là người sẽ thụ hưởng thành quả mô hình mang lại.
Từ nhận thức đó, cấp ủy Tổ dân phố 4 đã họp thông qua chủ trương, bàn biện pháp thực hiện. Sau cuộc họp cấp ủy chi bộ đã tiến hành họp thông báo chủ trương đến toàn thể đảng viên và thông báo đến đại diện các hộ gia đình trong tổ về kế hoạch triển khai và các nội dung yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu.
Ra mắt Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. |
Ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 cho biết: “Ban đầu, cũng có người còn ngần ngại, phân vân sợ rằng việc triển khai mô hình sẽ tốn kém, nhiều tiêu chí khung mà Thành phố đưa ra khó thực hiện. Tuy nhiên, với các biện pháp dân vận thiết thực, cấp ủy chi bộ, cán bộ tổ dân phố đã đả thông tư tưởng, tháo gỡ sự băn khoăn cho người dân”.
Sau khi đảng viên, nhân dân toàn Tổ dân phố 4 đã có sự đồng thuận, thống nhất, cấp ủy chỉ đạo tổ dân phố trực tiếp triển khai các đầu việc: In ấn, Bảng tiêu chí tổ văn hóa kiểu mẫu, Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Bản cam kết gửi đến 100% hộ gia đình trong tổ để nghiên cứu, cho ý kiến, tạo sự nhất nhất trí đồng thuận, tiến tới ký cam kết thực hiện các tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu.
Với quan điểm, Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu phải có những nét riêng để nhận diện, có sự khác biệt với các tổ dân phố khác, cán bộ tổ đã tiến hành khảo sát địa bàn, lấy ý kiến nhân dân lựa chọn thi công một hạng mục công trình bằng kinh phí xã hội hóa từ nguồn vận động nhân dân trong tổ đóng góp.
Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường Trung Văn, Tổ dân phố 4 đã gắn giá treo cờ đều tăm tắp tại các gia đình trong Tổ, được phường biểu dương là 1 trong các Tổ treo cờ đều và đẹp nhất vào các dịp Lễ, Tết. Song song với việc trồng những cây hoa, đèn trang trí tạo sắc thái riêng của Tổ văn hóa kiểu mẫu, Tổ dân phố 4 cũng đã tiến hành rà soát, lắp đặt pano bảng tiêu chí 5 không, Bảng quy tắc ứng xử nơi công cộng, xóa tụ điểm chân rác thành nơi trồng hoa.
Để có được công trình đẹp mắt, sinh động, trang trọng như hiện nay, chi bộ đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy, cán bộ Chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… và một số người dân tích cực phụ trách. Kinh phí mua cây hoa, đèn trang trí… đều được huy động từ nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Đây là công sức và trách nhiệm cùng biết bao tình cảm cán bộ, hội viên nhân dân trong Tổ dân phố 4. Mô hình cũng là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong đó lực lượng hội viên phụ nữ là nòng cốt vừa tham mưu, vừa trực tiếp đảm nhận các phần việc cụ thể.
“Chúng tôi rất phấn khởi tự hào khi bà con nhân dân trong tổ hết lời khen ngợi, các ngõ phố đều sáng, xanh, sạch đẹp. Ra mắt được mô hình đã khó, việc duy trì, vận hành nền nếp để mô hình phát huy hiệu quả trong thực tiễn lại càng khó hơn. Chúng tôi quyết tâm phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trong tổ góp phần xây dựng Tổ 4 thực sự trở thành Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu – tổ đáng sống, đáng tin cậy của mỗi người dân”, ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 4 cho hay.
Còn tại quận Ba Đình, sau thành công của công trình điểm tại tuyến phố Nguyễn Thái Học năm 2022, công trình “Chung tay thực hiện văn minh đô thị” tại khu vực ngã ba phố Sơn Tây – Trần Phú (phường Kim Mã) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận thực hiện đã ra mắt, góp phần vào mục tiêu xây dựng kỷ cương và văn minh đô thị trên địa bàn quận.
Công trình có sự tham gia ủng hộ tích cực của cán bộ cơ sở, nhân dân địa bàn dân cư số 11 phường Kim Mã, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, với tổng giá trị công trình gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp công sức lao động của cán bộ địa bàn và người dân trong việc vệ sinh môi trường, phủ xanh các gốc cây trên tuyến đường, lập hàng rào sắt để bảo vệ cây xanh…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Ba Đình Cao Thị Quế Hương cho biết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Kim Mã tìm hiểu, thống nhất và lựa chọn khu vực ngã ba Sơn Tây – Trần Phú thuộc địa bàn dân cư số 11 để làm nơi thực hiện công trình cấp quận. Bởi đây là khu vực có mật độ giao thông tương đối đông, có nhiều hộ kinh doanh, do đó vẫn còn xảy ra hiện tượng để xe lộn xộn, để rác không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến người đi bộ, ảnh hưởng đến việc duy trì vệ sinh môi trường, văn minh đô thị trên địa bàn.
Cũng theo bà Cao Thị Quế Hương, để thực hiện mô hình này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận đã có nhiều buổi khảo sát thực địa, làm việc với phường Kim Mã thống nhất về phương pháp, cách làm trong đó thực hiện việc vừa triển khai công trình vừa vận động tuyên truyền người dân, cơ sở kinh doanh thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Kim Mã và địa bàn dân cư số 11 đã vận động một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân tham gia ủng hộ nguồn kinh phí để thực hiện công trình gồm vệ sinh môi trường, quét vôi các gốc cây, trồng cây phủ xanh các gốc cây trên tuyến đường, lập hàng rào sắt để bảo vệ cây xanh…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Kim Mã Vũ Khắc Thắng cho biết, sau gần 2 tháng triển khai thực hiện mô hình, đến nay ý thức của người dân đã được nâng cao, vỉa hè đã thông thoáng hơn, sạch sẽ hơn. Việc phủ xanh các gốc cây đã mang lại vẻ tươi mới, sinh động cho tuyến phố, người dân cảm thấy phấn khởi với hình ảnh xanh, sạch, đẹp nơi mình sinh sống.
Nâng chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, các ngành trên địa bàn toàn Thành phố triển khai rộng khắp, gắn kết với nhiều phong trào, cuộc vận động và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tuyến đường nở hoa ở huyện Đan Phượng. |
Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được đưa vào danh mục chỉ tiêu pháp lệnh của Thành phố, vì vậy việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Việc tuyên truyền lồng ghép các nội dung phong trào với các nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành và đi vào nền nếp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư góp phần tích cực trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc xây dựng các mô hình văn hóa phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần nâng cao chất lượng phong trào.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng, công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị huy động được nội lực trong cộng đồng, nhân dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh – trật tự, bảo vệ môi trường và tham gia giám sát việc triển khai thực hiện ở cộng đồng dân cư…
Các chương trình, kế hoạch kinh tế – xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Thành phố tiếp tục được lồng ghép vào các nội dung chính của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đến tận cơ sở, thông qua phong trào đã thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế hàng năm của từng địa phương, đơn vị. Hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong thời gian qua tiếp tục được kiện toàn, củng cố và đẩy mạnh, qua đó đã phát huy vai trò và trách nhiệm trong công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp thường xuyên kiện toàn, bổ sung các nội dung theo quy chế hoạt động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó là triển khai Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; phối hợp tổ chức nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, quy trình xét tặng các danh hiệu văn hóa; phối hợp tổ chức thực hiện các tiêu chí văn hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; quy định xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.