Sách tranh Lặng phố của tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh và họa sĩ Phạm Bình Chương là một ấn phẩm đẹp. Ở đó, những đường nét, màu sắc của họa sĩ hòa quyện với ngôn từ của nhà văn để cùng tôn vinh vẻ đẹp Hà Nội.
Cuốn sách tập hợp khoảng 100 bức tranh vẽ Hà Nội của Phạm Bình Chương. Họa sĩ có tiếng với những bức tranh hiện thực, hiện anh là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Lê Nguyễn Nhật Linh là tác giả trẻ, từng xuất bản một số đầu sách như: Vị hôn, Nín đi con, Đến Nhật Bản học về cuộc đời. Cô là người đưa ra ý tưởng thực hiện Lặng phố và viết những bài tản văn nhẹ nhàng về Hà Nội trong sách.
Các bức tranh trong sách Lặng phố diễn tả một Hà Nội bình dị, ở đó con người thường xuất hiện trong không gian cũ kỹ với mái tường lở, rêu phong, những ô cửa gỗ ngả màu thời gian. Trong tranh không có bóng dáng của những tòa cao ốc hay các phương tiện hiện đại.
Con người trong tranh là những bà, những chị với quang gánh, đội thúng tre đi bán hàng.
Xem tranh, nhiều người ngỡ đó là hình ảnh của Hà Nội xưa cũ. Nhưng họa sĩ Phạm Bình Chương cho biết anh vẽ Hà Nội của ngày nay, những gì anh được thấy. Anh là họa sĩ tả thực, thường đến địa điểm để ngắm, chụp ảnh và vẽ. “Tôi không vẽ Hà Nội theo những bức ảnh cũ, chụp Hà Nội của cái thời mà tôi không thấy, không chứng kiến”, họa sĩ Phạm Bình Chương từng trả lời phỏng vấn.
Một hàng ăn vỉa hè đơn sơ được họa sĩ diễn tả.
Những gánh hàng rong có từ thuở nào, đến nay vẫn đi về trên phố.
Tranh Cửa hàng sách cũ vẽ năm 2012.
Tác phẩm Bên hè phố vẽ năm 2007.
Tác phẩm Dưới gầm cầu.
Dáng mẹ đi về thân thương, ấm áp.
Tần Tần/Zing