Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Thủ đô Hà Nội sẽ tăng cường nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố, trước mắt đến năm 2025 với các lĩnh vực: Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Ẩm thực, Xuất bản, Kiến trúc…

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đến năm 2025.

ha-noid.jpg
Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019.

Kế hoạch tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các cơ sở, đơn vị, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn thành phố, là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Về nội dung phát triển thị trường CNVH, Kế hoạch nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, mở rộng thị trường phát triển các ngành CNVH, trong đó đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng về CNVH, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, cá nhân mở rộng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực CNVH, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, giá trị cao, hấp dẫn thị trường. Tăng cường kết nối, hướng dẫn hội viên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và hình thành các sản phẩm mới trong các lĩnh vực CNVH…

Cụ thể, đối với lĩnh vực như sau:

Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Thời trang, Quảng cáo: Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống các thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển CNVH Thủ đô; tổ chức đào tạo, liên kết với chuyên gia trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng ngành Nghệ thuật biểu diễn Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển CNVH.

Bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa mới, Trung tâm thiết kế sáng tạo, Trung tâm biểu diễn Nghệ thuật… trên địa bàn thành phố trong đó tập trung vào đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhằm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CNVH Thủ đô.

thoi-trang.jpg
Hà Nội sẽ thúc đẩy hình thành các thương hiệu thời trang để phát triển thị trường CNVH Thủ đô.

Khuyến khích sáng tạo, phát triển các giá trị văn hóa tinh thần mới trên nền tảng di sản, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế, du lịch bền vững; lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao tham gia vào thị trường CNVH trong nước và quốc tế. Triển khai thực hiện Đề án phát triển Quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thúc đẩy hoạt động quảng cáo bằng nhiều hình thức, trên nền tảng công nghệ mới, thí điểm hình thức xã hội hóa hoạt động quảng cáo…

Mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, tạo điều kiện không gian để quay được những bộ phim có chất lượng quốc tế tại Hà Nội, có hình thức hỗ trợ sản xuất bộ phim trong nước có chất lượng, tăng cường phát hành và phổ biến phim, tổ chức các hoạt động giao lưu trong lĩnh vực điện ảnh thông qua các Liên hoan phim quốc tế tại Thủ đô Hà Nội…

Thúc đẩy hình thành các thương hiệu thời trang, tổ chức các cuộc thi thiết kế, hoạt động trong lĩnh vực thời trang, kết nối các nhà thiết kế với các làng nghề truyền thống như: Lụa Vạn Phúc, thêu Đông Cứu, may Trạch Xá… tạo nên những sản phẩm thiết kế giá trị cao.

Lĩnh vực Du lịch văn hóa: xây dựng các chương trình liên kết văn hóa Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”… Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, điểm đến du lịch gắn với di sản văn hóa, công trình kiến trúc, làng nghề có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

cong-bo.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Điểm du lịch cộng đồng bản Miền (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) ngày 26/4/2024.

Nâng cấp, phát triển tuyến du lịch đường thủy dọc theo sông Hồng của Thành phố và các tỉnh lân cận; Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức; tuyến Trung tâm Hà Nội – Quốc Oai – Thạch Thất; tuyến Trung tâm Hà Nội – Sơn Tây – Ba Vì… tổ chức các sự kiện thường niên về du lịch, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng, sản phẩm lưu niệm có chất lượng mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thốn của các dân tộc thiểu số tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Thúc đẩy triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch; hình thành một số cụm du lịch trọng điểm, giữ vai trò là một trong những trung tâm du lịch, nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc.

Tăng cường mở rộng thị trường, kết nối hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các loại hình du lịch văn hóa. Tham gia và tổ chức các chương trình xúc tiến giới thiệu điểm đến, hội chợ du lịch quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa và các loại hình du lịch thế mạnh của Thủ đô.

Lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ: hỗ trợ tư vấn thiết kế sáng tạo mẫu, phối hợp chất liệu mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống. Chú trọng nâng cao năng lực xuất khẩu, các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao, ưu tiên sử dụng chất liệu truyền thống, thể hiện được nét đặc sắc của văn hóa Thủ đô.

Tăng cường tư vấn, trợ giúp thông tin cho cơ sở công nghiệp nông thôn; tập trung đầu tư, hỗ trợ các làng nghề truyền thống có tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm các làng nghề truyền thống. Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch văn hóa.

qpc-quynh.jpg
Nhóm du khách nước ngoài “check in” tại làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Nghiên cứu thúc đẩy hình thành Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm và phát triển CNVH tại các quận, huyện, thị xã.

Lĩnh vực Ẩm thực: xây dựng và thực hiện Chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ, quảng bá, phát triển văn hóa Ẩm thực Hà Nội. Hình thành các tuyến phố quảng bá, giới thiệu ẩm thực tiêu biểu của Thủ đô. Kết nối đưa các sản phẩm ẩm thực đặc sắc của địa phương tới các nhà hàng, khách sạn có tiêu chuẩn chất lượng cao, nhằm góp phần nâng cao giá trị của ẩm thực truyền thống, giới thiệu cho các đối tượng khách hàng cao cấp.

Hỗ trợ tăng cường nhận diện thương hiệu ẩm thực với hình thức mẫu mã cải tiến, sáng tạo; đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong việc bảo quản sản phẩm nhằm đưa sản phẩm ẩm thực đến các địa phương trong cả nước và quốc tế.

com_lang_vong_1.jpg
Cốm làng Vòng – ẩm thực miền quê gắn với bao lớp người đất Tràng An – Thăng Long – Hà Nội.

Lĩnh vực Xuất bản: thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức và công chúng về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan với các sản phẩm thông tin và truyền thông. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống việc xâm hại sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả với các sản phẩm thông tin và truyền thông. Hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT thiết lập hệ thống báo cáo xâm hại bản quyền trực tuyến.

Lĩnh vực Kiến trúc: tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc phát huy năng lực sáng tạo hình thành các công trình kiến trúc tiêu biểu, điển hình trong khu vực, có tính ứng dụng cao thể hiện được sự giao lưu quốc tế trên cơ sở tiếp nối các giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Nghiên cứu, đề xuất vị trí hình thành các công trình tầm cỡ phục vụ phát triển các ngành CNVH.

long-bien-4.jpg
Những hình ảnh về kiến trúc cầu Long Biên được giới thiệu trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Bảo tồn, phục hồi không gian kiến trúc cảnh quan đô thị một số khu vực, tuyến phố có đặc trưng văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân./.

Quỳnh Phạm

Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa (nguoihanoi.vn)