Tôi thường nghe mọi người than phiền Hà Nội mùa này nắng như đổ lửa, nếu không có việc gì quan trọng chắc chẳng ai ra đường vào những giờ nắng gắt. Người ta chỉ kịp nhìn sự khắc khổ của người lao động qua nếp nhăn trên trán, sự tức giận hay cọc cằn vì thời tiết như lò thiêu.
Thế nhưng còn có một điều thú vị, rằng khi người dân càng trốn nắng thì thủ đô càng rực rỡ. Sáng nay, loanh quanh đạp xe một vòng Hà Nội mới bất giác: Thì ra là người Hà Nội đã trốn nắng quá lâu để nhận thấy những mùa hoa đã đến.
“Hà Nội mùa nào em ơi?
Đây con đường chiều nay đổ lá
Nắng lung linh mặt hồ liễu thả
Ô cửa thời gian lặng dõi hư hao…”
Dưới nắng sớm mang vẻ tĩnh lặng, yên bình, trời Hà Nội đẹp hơn bất cứ khoảnh khắc nào trong ngày. Những ngôi nhà cổ hé cửa nằm im lìm, À… đã tỉnh giấc ngủ đêm qua đâu. Vỉa hè vắng bóng người như thiếu mất một nhịp náo nhiệt hàng ngày, chính vì thế mùa này thêm đặc biệt.
Hoa bằng lăng, hoa muồng, hoa phượng thi nhau đưa lối người đi đi về về. Màu vàng, màu tím, màu đỏ đan xen chấm phá giữa đất trời.
Bằng lăng thức giấc đã gọi hè
“Một chút gọi mùa theo phố cũ
Nỗi nhớ hạ về tím bằng lăng”.
Bằng lăng với màu tím đặc trưng đang khiêm nhường bên góc hồ Tây Hà Nội, chỉ vài từ khó để diễn tả hết bao mộng mơ từ hoa bằng lăng. Với màu tím đậm và nhạt đan xen nhau, cánh hoa nở bung thành từng chùm rũ xuống và rơi vương vãi bên dưới như rơi vãi một bầu trời mộng mơ.
Hoa bằng lăng nở rồi…
Loài hoa mang trong mình sự trầm tư và lặng lẽ riêng…
Hoa bằng lăng được trồng nhiều trên các con phố Kim Mã, Đào Tấn, Hoàng Quốc Việt… Loài hoa mỏng manh, tím rực, đôi lúc e ấp, chính vì điều này nên hoa bằng lăng thường xuất hiện và được các nhà thi ca khoác lên cho nó những sự tích buồn về nỗi niềm chia ly, xa cách.
Cho “nàng hạ” một nhánh hoa bằng lăng để “nàng” dệt nên sự thơ mộng của chính mình.
Bằng lăng lặng lẽ mang màu buồn tím biếc khiến tuổi học trò nao lòng khi nhìn thấy.
Hoa phượng đỏ báo hiệu mùa chia xa
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi hoa phượng là hoa học trò khi cứ sau xuân, lũ học trò nhìn thấy cây phượng là bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho một mùa chia tay. Cái hoa cong vút như đuôi phượng, đỏ tươi rực rỡ trong nắng vàng chỉ ra đúng và duy nhất vào mùa tan trường tháng 6… Ấy vậy, phượng gắn liền với tuổi học trò từ bao đời nay.
Thời xưa, cánh hoa phượng còn được lưu giữ đến khô trong một vài trang giấy trắng tinh chỉ để người ta nhắc nhớ rằng loài hoa này đã chứng kiến họ lớn lên qua một thời nghịch ngợm. Bạn gái thích ép khô trong trang vở, bạn nam dùng nhuỵ phượng chơi đá gà,… đủ trò vui màu đỏ thắm dưới góc sân trường nhỏ xinh.
Bên hồ Trúc Bạch, hồ Tây, đường Láng…, hoa phượng nở rực rỡ riêng một góc trời, có lẽ nó đang ở độ nở hoa sung mãn nhất. Chẳng màu hoa nào địch nổi sự rực rỡ của màu đỏ hoa phượng cho đến khi muồng hoàng yến bắt đầu buông cành, rũ xuống một màu vàng dịu êm…
Muồng hoàng yến như “lồng đèn” thắp giữa trời
“Nắng hạ đầu mùa đã chói chang
Nhìn cây trụi lá mắt hoa vàng
Lang thang dạo phố bâng khuâng nghĩ
Có phải do trời đổ nắng hoang”
Như thông lệ từ nhiều năm nay, nếu tháng ba người ta đến đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu ngắm hoa sưa; tháng ba ghé Bắc Sơn xem một ít hoa ban vùng Tây Bắc; tháng tư ghé Thụy Khuê cùng bó hoa loa kèn trắng tinh khôi bên cạnh các thiếu nữ áo dài tóc xoã… thì tháng năm, ít nhiều gì người ta cũng sẽ tìm đến dọc Hồ Tây để thưởng thức tận mắt sắc rực vàng của Muồng hoàng yến.
Muồng Hoàng yến có nguồn gốc từ Nam Á, được gọi với nhiều tên khác nhau như: Muồng hoàng hậu, hoa lồng đèn… Đặc biệt, Muồng hoàng yến được xem là quốc hoa của đất nước Thái Lan. Màu sắc vàng rực của Muồng hoàng yến được xem là sự sung túc trong hoàng gia.
Làm sao diễn tả hết được nét trữ tình dọc một bờ hồ khi bằng lăng tím, phượng vĩ đỏ, muồng hoàng yến nở huy hoàng.
Mùa hè Hà Nội, nghển cổ lên nhìn nắng len lỏi qua những tán lá xanh, trên những ngôi nhà kiểu Pháp cổ nhìn từ xa cánh chim ríu rít trú nắng, ngoài bờ hồ Tây các loài hoa thi nhau khoe sắc.
Nhạc sĩ Giáng Son đã từng tỉ mẩn viết nên một “Hà Nội 12 mùa hoa”. Nhưng dường như con số còn có vẻ khiêm nhường để có thể chứa hết những mùa hoa đã đi qua lòng Hà Nội.
Bảo Trân/Saostar
ảnh: Trọng Lê và Phạm Quang Chiến